Nhiều ngân hàng đã quyết định miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử… để nhằm chia sẻ và hỗ trợ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch do Covid-19 gây ra.

‘Ông lớn’ ngân hàng giảm lãi, giãn nợ cho khách bị ảnh hưởng Covid-19

16/02/2020, 13:31

Nhiều ngân hàng đã quyết định miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử… để nhằm chia sẻ và hỗ trợ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch do Covid-19 gây ra.

Nhiều ngân hàng đưa ra nhiều biện pháp chia sẻ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi Covid-19 - Ảnh: Internet

Giảm phí để hạn chế không dùng tiền mặt

Để hạn chế dùng tiền mặt, tránh lây nhiễm dịch Covid-19, ngày 11.2, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Sau yêu cầu này, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã quyết định miễn, giảm nhiều phí dịch vụ.

Đơn cử như miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công; giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch…

Ngày 12.2, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng có thông báo về việc giảm mức thu dịch vụ, thể hiện sự đồng hành cùng tổ chức tín dụng chia sẻ khó khăn với khách hàng vay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đối tượng được giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng của CIC là tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Mức giảm theo bậc thang từ 5% -20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng.

Gần đây, các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử và chính sách miễn giảm phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online. Chẳng hạn, tại BIDV, các kênh ngân hàng điện tử của BIDV hỗ trợ thực hiện nhiều giao dịch như tra cứu số dư, chuyển tiền, nạp tiền hoặc thanh toán các loại hóa đơn gia đình... Đồng thời khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính như gửi tiết kiệm, vay tiền online.

Nam A Bank có văn bản yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.

TPBank cũng khuyến khích khách hàng nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Đại diện TPBank cho biết, về mặt công nghệ, khi việc đẩy mạnh ngân hàng tự động, dùng Internet Banking cũng giúp giảm thiểu chuyện lây lan, hạn chế việc tiếp xúc đông người, hạn chế việc tiếp xúc vật lý với những nguồn lây nhiễm virus.

SCB thì ra thông tin về chương trình “Gửi tiết kiệm online – Nhận quà liền tay qua email”. Đây là ngân hàng đầu tiên trên thị trường cấp sổ tiết kiệm online tích hợp mã QR qua email vừa an toàn vừa ưu đãi với lãi suất lên đến 8,76%/năm.

Không chỉ có các ngân hàng, ví điện tử như MoMo khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch Covid-19.

Giảm lãi vay cho khách hàng ảnh hưởng

Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, ngày 4.2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tiếp đó, ngày 6.2, Ngân hàng Nhà nước cũng đã họp với các ngân hàng thương mại bàn các giải pháp cụ thể, tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Vietcombank cho biết từ ngày 11.2.2020 đến hết 30.4.2020, ngân hàng này sẽ giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Cụ thể, Vietcombank sẽ hỗ trợ các khách hàng kinh doanh thuộc những lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, nhất là các khách hàng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất ngành da giày, dệt may… từ Trung Quốc. Đối với khách vay hiện hữu, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, còn khoản vay trung dài hạn 1,5%/năm với đồng Việt Nam.

Trong khi đó, VPBank đánh giá trước mắt có 1.000 doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do dịch bệnh chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản... Vì vậy, nhà băng này quyết định giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Điều kiện để được giảm lãi suất cho vay là doanh nghiệp xếp hạng tín dụng tốt, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, có lịch sử vay trả đúng hạn,…

KienLongBank giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách vay trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, thời gian áp dụng từ ngày 1.2.2020 đến 30.4.2020.

Agribank cũng vừa cho biết đang rà soát và nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để có hỗ trợ kịp thời như giảm lãi suất, giãn nợ.

Phan Diệu

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Ông lớn’ ngân hàng giảm lãi, giãn nợ cho khách bị ảnh hưởng Covid-19