Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, sự ra đời của Hội Nghiên cứu & Phát triển Di sản văn hóa Huế là điểm nhấn trong việc bảo tồn & phát triển di sản Huế
Cố đô Huế - thành phố di sản văn hóa - bài thơ đô thị tuyệt tác
Cố đô Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô nước Đại Việt thời Quang Trung, thời Nguyễn và cũng là kinh đô của Phật giáo xứ Đàng Trong. Trải qua lịch sử hơn 700 năm, Huế (vùng đất Thuận Hóa/Phú Xuân xưa) đã để lại cho dân tộc Việt Nam một kho tàng di sản văn hóa vô cùng to lớn.
Ngoài yếu tố con người, mảnh đất thần kinh gắn liền với các di tích lịch sử, đền miếu, cung điện, kiến trúc, âm nhạc, ẩm thực, nhà vườn, sông núi, đầm phá biển hồ... Có thể nói Huế hội tụ những gì tinh túy nhất của dân tộc. Đó là một nét độc đáo mà không nơi nào có được. Minh chứng cho điều này là Huế đã có 5 di sản văn hóa Huế đã được UNESCO công nhận là di sản vật thể và phi vật thể của thế giới. Và, còn nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật chất và phi vật chất đang chờ làm hồ sơ đệ trình UNESCO.
Tuy nhiên, trong thực tế, những nghiên cứu bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của Cố đô Huế. Vậy có những nguyên nhân gì? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - một người nặng lòng với Huế gần nửa thế kỷ qua. Ông cho biết có những nguyên nhân như sau:
Từ trước đến nay các ngành Văn hóa, Du lịch, trùng tu tôn tạo về di tích, chứ chưa quan tâm đến di sản văn hóa Huế. Di tích chỉ giữ một phần của di sản mà thôi.
Các ngành chức năng của nhà nước chuyên nghiên cứu, không có khả năng phát triển. Việc phát triển di sản văn hóa biến di sản văn hóa thành tài sản phải do các nhà hoạt động kinh tế xây dựng phát triển kinh tế trên nền tảng di sản văn hóa thì di sản văn hóa mới phát triển được. Từ trước đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có chủ trương này.
Khi đặt ra vấn đề phát triển di sản văn hóa thì các cơ quan chức năng của tỉnh hiện nay không kham nổi.
Thành lập Hội Nghiên cứu & Phát triển Di sản văn hóa Huế
Việc nhà nước chủ trương xã hội hóa hóa việc nghiên cứu, bảo vệ, phát triển di sản văn hóa Huế, để xã hội đồng hành với nhà nước phát triển di sản thành tài sản cho đất nước là một định hướng đúng đắn và hợp với xu thế phát triển văn hóa của thế giới hiện nay.
Chính vì vậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã chung sức cùng với những nhà nghiên cứu yêu Huế xin phép nhà nước lập nên một tổ chức nghiên cứu và phát triển di sản để giúp Huế. Nguyện vọng tâm huyết của các nhà nghiên cứu hợp thời nên đã được UBND tỉnh TTH ký Quyết định 2258/QĐ-UBND, ngày 3-9-2020 cho phép thành lập Hội Nghiên cứu & Phát triển Di sản văn hóa Huế (viết tắt là Hội).
Với tôn chỉ và mục đích: Hội là một tổ chức xã hội của mọi công dân Việt Nam, có tình yêu đối với Huế và yêu di sản văn hóa Huế; hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, phát triển di sản, tham gia phản biện và bảo vệ các thành tựu văn hóa của dân tộc để lại ở Huế, góp phần làm cho Huế ngày càng đẹp hơn và luôn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng vốn có trong lòng nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế; tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần cùng với chính quyền hoàn thành sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.
Sự ra đời của Hội Nghiên cứu & Phát triển Di sản văn hóa Huế trong hoàn cảnh COVID-19, bão lũ liên miên nên đã gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn về thời tiết còn có những ý kiến trái chiều của đồng nghiệp, của độc giả gần xa. Để có thể trả lời các ý kiến đa chiều trên, chúng tôi đã liên lạc với NNC Nguyễn Đắc Xuân để ông có thể trả lời những thắc mắc nêu trên.
PV: Lâu nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Sở Văn hóa Thể Thao, Hội Sử học, Viện Nghiên cứu và Phát triển có nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế rồi, sao đến nay ông và các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế còn xin nhà nước lập thêm Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế để làm gì nữa?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Di sản văn hóa Huế có ba mảng: Triều Nguyễn, Phật giáo và Xã hội. Trong Di sản trong xã hội, con người di sản (tôi gọi là di nhân) là quan trọng nhất. Các cơ quan chức năng nghiên cứu chưa quan tâm đến mảng di sản thứ ba này nên chúng tôi phải góp phần lấp đầy. Hơn nữa, ngoài chức năng nghiên cứu chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển di sản văn hóa. Vấn đề này các cơ quan chức năng của nhà nước chưa “bao cấp” được. Hội chúng tôi được nhà nước cho tiên phong. Tôi nghĩ mai đây với thực tế di sản văn hóa Huế sẽ có nhiều Hội như chúng tôi ra đời nữa chứ không chỉ mỗi Hội của chúng tôi đâu.
PV: Vì sao ông cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Con người là chủ thể sáng tạo ra các di sản khác. Có thể thấy ở Huế những di sản tiềm tàng từ trước nay khá đa dạng như: Giáo dục, Kiến trúc, nghệ thuật, nhiếp ảnh, thơ văn, âm nhạc, Hát bội, trang phục, nghề may áo dài, ẩm thực, nghề kim hoàn, nghề đúc đồng, mộc mỹ nghệ…
PV: Như vậy khối lượng di sản văn hóa trong xã hội Huế rất lớn, rất rộng, các thành viên của Hội phần lớn lớn tuổi, lấy thời gian và kinh phí ở đâu để hoạt động?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Trước tiên, các thành viên trong Hội tập hợp những gì mình đã thực hiện để làm quà tặng cho Huế. Thứ hai, Hội chọn lựa nghiên cứu những đề tài có khả năng phát triển biến di sản thành tài sản cho Huế. Vận động các doanh nhân hoạt động văn hóa đầu tư phát triển. Nếu nhà nước và các nhà hoạt động kinh tế văn hóa nghệ thuật du lịch cần có một công trình để phát triển, Hội có thể đảm trách nếu đúng khả năng của Hội. Hội cũng có thể góp ý, phản biện các công trình của nhà nước, các đoàn thể hoặc của tư nhân. Hội có thể cố vấn về văn hóa lịch sử cho các doanh nghiệp hoạt động ở Huế. Những vấn đề quan trọng nhất của Hội là: Tập hợp những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu hướng về Huế. Hội xây dựng nền tảng bền vững cho Hội về các lĩnh vực: phương pháp nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm, những cách tiếp cận di sản, sách báo tư liệu di sản văn hóa Huế cho giới nghiên cứu đời này và các đời sau. Đặc biệt có một website để Hội thông tin các công việc của mình. Sự cống hiến của chúng tôi cho Huế chắc chắn những người yêu Huế trên quả đất này không để cho Hội chúng tôi bế tắc việc dâng hiến. Hội cũng được nhiều người gợi ý nên là nơi giữ hộ những di sản mà chủ sở hữu muốn giữ lại cho Huế. Trong Điều lệ Hội cũng đã xin nhà nước cho phép thực hiện nhiệm vụ này.
PV: Khi nào website của Hội sẽ ra mắt chính thức để độc giả và những người yêu Huế có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng nhất, thưa ông?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Website huehoc.com – quà tặng của Công-ty phần mềm 3S đã thiết kế xong. Sẽ ra mắt cùng ngày với Đại hội thành lập Hội vào ngày 27.11.2020 này.
PV: Lâu nay có rất nhiều ý kiến đa chiều về việc quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát triển. Có ý kiến cho rằng chủ trương bảo tồn không được phát triển, có ý kiến cho rằng không phát triển Huế không vươn lên được. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị bảo tồn và phát triển phải cân bằng nhau. Theo ý ông giải quyết vấn đề này như thế nào?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Theo tôi việc phát triển di sản có 3 việc cần phải làm: a) Nghiên cứu xem thử Huế có những di sản gì, hiện trạng các di sản đó ra sao? b) Trùng tu phục hồi các di sản đó để phục vụ cho Huế thành phố di sản trực thuộc TW trong tương lai gần và c) Nghiên cứu giải pháp khai thác phát triển các di sản có thể phát triển được. Nếu không trải qua ba giai đoạn này thì sự lúng túng còn kéo dài nhiều thập kỷ nữa.
PV: Ông có thể dẫn chứng cho vài ví dụ nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế thành công?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Tôi xin liệt kê trong các trường hợp nghiên cứu và phát triển thành công sau đây:
- Công trình nghiên cứu "Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế" của tôi đã được tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng phát triển thành Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan – một phần của Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế.
- Ẩm thực chay của các tổ đình ở Huế được các thiền sư Làng Mai Pháp quốc phát triển thành ẩm thực chay Làng Mai được thế giới ưa thích.
-Từ âm giai ngũ cung lơ lớ của ca Huế, hò Huế các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương phát triển thành các bản tân nhạc bất hủ Về miền Trung, Nước Non Ngàn Dặm Ra đi (trong Trường ca Con Đường Cái Quan), Tiếng Sông Hương. Thầy Tôn Thất Tiết nghiên cứu ca Huế, hò Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Thiền nhạc (Tụng, táng, xướng trong các chùa), triết lý Đông phương kết hợp với âm nhạc Phương Tây soạn nên những nhạc không lời nổi tiếng ở Âu, Mỹ như Tứ Đại Cảnh (1968), Hy Vọng (1971), Ngũ Hành (1973), Vô Vi (1974), Ấn Tượng (1974–75), Những Truyền Thuyết Đất Phương Nam (1996); 16 bản cho nhạc phòng, trong ấy có Niệm (1974), Chu Kỳ I, II (1976), III, IV (1977), Phong Vũ (1991), Xuân Vũ (1993); năm bản nhạc hát, trong ấy có Vang Bóng Thời Xưa (1969), Kiêm Ái (1978), Chu Kỳ VI (1993).
-Thợ kim hoàn hậu duệ của hai ông tổ Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ở làng Kế Môn (huyện Phong Điền, TTH) có tay nghề rất tinh xảo. Họ đã truyền nghề khắp miền Nam và phát triển ra các nước ngoài. Biết nghề kim hoàn là một di sản, ông thợ kim hoàn Trần Duy Mong làng Kế Môn đã miệt mài sưu tập cổ vật vàng và dụng cụ làm nghề kim hoàn cùng thủ thuật chế tác vàng qua các thời kỳ xây dựng nên một “Bảo tàng vàng” tại 92A, Đinh Tiên Hoàng, gần hồ Tịnh Tâm mang tên Tịnh Tâm Kim Cổ. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng nghìn mẫu hàng trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, và nhiều mẫu hàng lưu niệm được chế tác tinh xảo bằng vàng, bạc, đồng… Nơi làm việc của thợ được sắp đặt, bài trí mang hơi hướng cổ, khiến cho khách tham quan như cảm nhận được môi trường, không khí làm việc của thợ kim hoàn ngày xưa.
- Với một số tác phẩm được nghệ sĩ Lê Bá Đảng và gia đình trao tặng, nhà hoạt động nghệ thuật Lê Cẩm Tế được các kiến trúc sư, kỹ sư tài năng quy hoạch xây dựng phát triển thành Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng chưa từng có ở Việt Nam.
PV: Những sự thành công nổi bật mà ông vừa nêu ra quả thật cho thấy việc nghiên cứu, phát triển và làm “sống lại” Huế sẽ có nhiều việc cần làm và đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực. Vậy Hội Nghiên cứu & Phát triển Di sản văn hóa Huế gồm những thành viên chính thức đã đề cập chính thức như trên, còn có những ai nữa ?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Ngoài các nhà nghiên cứu dịch thuật Hội còn có các doanh nhân hoạt động văn hóa, các nhà nghiên cứu, các người yêu Huế ở trong và ngoài nước tài trợ về nghiên cứu, kinh nghiệm phát triển di sản văn hóa và vận động tài trợ cho các công trình nghiên cứu và phát triển của Hội. Chúng tôi sẽ giới thiệu website sau ngày 27.11.2020.
PV: Xin chúc mừng Huế với Hội NC&PT Di sản Văn hóa Huế. Chúc quý ông bà sức khỏe, mọi việc được như ý!