Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thành phố sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp kinh doanh thiếu văn hóa, không tôn trọng người tiêu dùng. TP.HCM không phải là đất sống cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Ông Nguyễn Thành Phong: TP.HCM không có đất sống cho doanh nghiệp gian dối

Phan Diệu | 30/10/2017, 14:42

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thành phố sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp kinh doanh thiếu văn hóa, không tôn trọng người tiêu dùng. TP.HCM không phải là đất sống cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Ngày 30.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội10 tháng đầu năm 2017.

Sẽ xử nghiêm doanh nghiệp làm ăn gian dối

Về công tác xử lýhàng gian hàng giả, Sở Công Thương TP.HCMcho biết trong 10 tháng qua, cơ quan này đã phát hiện có hơn 17.000 lượt vi phạm. Sởcòn phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 53 vụ khiếu nại và đã giải quyết 42 vụ, đang chờ xử lý 5 vụ và 2 vụ xin rút đơn.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Phạm Thành Kiên nói TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng nhiều chính sách hỗ trợ. Vì vậy, thành phố mong muốn doanh nghiệp làm ăn chân chính, không gian dối. Người tiêu dùng sẽ quyết định đến việc kinh doanh, phát triển của của doanh nghiệp.

Nói về việc xử lý hàng gian, hàng giả, hàng gian lận thương mại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị xử lý nghiêm các cơ sở, cán bộ vi phạm trong vụ heo bị tiêm thuốc an thần thời gian vừa qua; đồng thời xử lý các doanh nghiệp kinh doanh thiếu văn hóa, khôngtôn trọng người tiêu dùng.

"Gần đây có nhiều vụ gian dối xảy ra như vụ heo bị tiêm thuốc an thần, vụ thực phẩm giả...TP.HCM không phải là đất sống cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối", ông Phong nhấn mạnh.

Dừng các dự án BT đang đàm phán

Liên quan đến các dự án BT (xây dựng - chuyển giao)trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong tuần này sẽ có hội thảo về quản lý các dự án này.

Hội thảo sẽ tập trung đánh giá quy trình, đề xuất giải pháp quản lý các dự án BT như thế nào; qua đócông khai thông tin về dự án, quy trình làm dự án để tránh trường hợp bị tác động bởi các yếu tố khác, cũng như khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai và tài sản của Nhà nước.

“Việc thực hiện các dự án này phải theo hướng hết sức công khai minh bạch, đảm bảo các quy định của pháp luật nhưng cũng phải thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghệp đầu tư", ông Phong nói thêm.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở Kế hoạch- Đầu tư mời các chuyên gia am hiểu về những dự án BT để góp ý quy trình, sau đó báo cáo với Thành ủy TP.HCM.

Vì vậy, người đứng đầu UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng các dự án BT đang thảo luận, đàm phán để khi có quy trình sẽ làm tiếp. Còn những dự án đã có chỉ đạo của Chính phủ thì cứ tiếp tục triển khai.

“Sở Kế hoạch - Đầu tư phải làm việc với các doanh nghiệp để thông tin rõ ràng về vấn đề này. Mình chậm lại chút để sau này dễ dàng trong quản lý mà vẫn đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư”, ông Phong đề nghị.

Doanh nghiệp bất động sản mới thành lập chiếm tỷ trọng áp đảo

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng đầu năm đạt gần 757 tỉ đồng, tăng 11,59% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,3%), trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm 64,5%, tăng 12,5%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP.HCM trong 10 tháng đầu năm ước đạt 29,15 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,5%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 26,6 tỉ USD, tăng 23,7% (cùng kỳ tăng 12,2%).

Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Singapore tăng 86,3%; Myanmar tăng 65,6%; Ấn Độ tăng 35,5%; Malaysia tăng 34,9%; Thái Lan tăng 34%; Trung Quốc tăng 22,6%...

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm ước đạt trên 35 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,7%), trong đó nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc (tăng 43,5%), Ấn Độ (39,6%), Philippines (38%), Campuchia (103,3%)…

Trong 10 tháng qua, TP.HCM có 33.839 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 457.000 tỉ đồng. Nếu phân theo loại hình thì công ty TNHH một thành viên chiếm tỷ trọng cao nhất (58,6%) với gần 20.000 doanh nghiệp.

Xét theo ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 41,8% với vốn đăng ký 191.365 tỉ đồng (tăng 97,3% so với cùng kỳ 2016).

Ngoài ra, thành phố có 49.476 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 260.528 tỉ đồng (so cùng kỳ tăng 11,2% về số lượt doanh nghiệp và tăng gấp 9 lần về vốn bổ sung).Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung 717.609 tỉ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.

Đến nay, TP.HCM đã có 1.629 hộ kinh doanh đã chuyển thành doanh nghiệp, trong đó số hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở các quận huyện Thủ Đức, Bình Thạnh, 10, Bình Chánh.

Phan Diệu

Bài liên quan
Chủ tịch UBND TP.HCM: Làm công chức là phải phụng sự
Ngày 16.1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 của Sở Nội vụ. Ông Phan Văn Mãi đề nghị ngành nội vụ tập trung cao độ cho các nhiệm vụ trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Nguyễn Thành Phong: TP.HCM không có đất sống cho doanh nghiệp gian dối