Hiện TP.HCM đã chuẩn bị các hạ tầng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, ngoài ra, TP đang tính toán đến năng lượng thủy triều.
Ngày 23.12, Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho TP.HCM và Đông Nam Bộ”.
Thảo luận tại hội thảo về vị trí của TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, TP.HCM đang rất tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để vươn lên tầm cao mới, TP.HCM cần bám vào 3 đột phá chiến lược (thể chế, kết cấu hạ tầng và nhân lực chất lượng cao); 3 động cơ tăng tốc (khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao) và 3 hoạt động thường xuyên và bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch).
Trong đó, cần theo đuổi Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM phù hợp với quy mô kinh tế thành phố; đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, đề án trọng điểm.
Đề cập đến chiến lược dài hạn, GS-TS Thoại Nam, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, TP cần tập trung thu hút đầu tư, nhất là những tập đoàn lớn.
Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là các tập đoàn đang cần các trung tâm dữ liệu với quy mô siêu lớn. Hiện các nước khác đã có trung tâm dữ liệu cỡ vừa và nhỏ. Các tập đoàn đang tìm một số quốc gia mới để đầu tư.
Việc đầu tư các trung tâm dữ liệu siêu lớn phải có các chính sách về đất đai, năng lượng, nhất là năng lượng sạch. Do đó, TP.HCM phải phát triển năng lượng xanh, chuẩn bị về con người và đầu tư hạ tầng tính toán.
Phân tích thêm về nội hàm kỷ nguyên vươn mình, theo TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) - đó là kỷ nguyên để đất nước ta tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao vị thế của dân tộc. Việt Nam đang ở giai đoạn dựa trên đầu tư, muốn tăng trưởng nhanh thì phải đạt được quy mô đầu tư, quan trọng nhất là nâng được hiệu quả đầu tư để thu hút đầu tư.
Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt, TP phải tinh gọn và thu hút người đủ tâm, đủ tầm vào bộ máy, tạo cơ chế động lực để công chức yên tâm làm việc và cống hiến.
Đồng thời, phải số hóa chính quyền, trong đó tập trung nâng cao chất lượng ra quyết định và rút ngắn quá trình ra quyết định; chuẩn hóa quy trình làm việc 5 rõ như Thủ tướng nói: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả.
Về dài hạn, ngoài triển khai hàng loạt các hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng cần phải chú trọng hạ tầng số và TP.HCM phải là trung tâm và đi đầu trong xây dựng hạ tầng số.
Ngoài giao thông, cảng biển, metro, TP.HCM cũng phải tập trung phát triển các ngành dịch vụ giá trị cao như: R&D (nghiên cứu và phát triển), giáo dục, y tế, dịch vụ, nghệ thuật, du lịch, tư vấn khoa học, trung tâm thương mại. Trong đó, thương mại phải là điểm nhấn của TP.HCM.
Mặt khác, TP.HCM phải xác định không chỉ là trung tâm của Đông Nam Bộ mà là trung tâm của Việt Nam, hoặc ít nhất là trung tâm của miền Nam, có vai trò trong liên kết liên vùng, chứ không đơn thuần là trung tâm liên kết nội vùng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM xác định phải là trung tâm dữ liệu của khu vực và quốc tế; đồng thời, bổ sung vào quy hoạch của TP hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông, hạ tầng tính toán.
Cụ thể, hiện thành phố đã chuẩn bị các hạ tầng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió; ngoài ra, tính toán đến năng lượng thủy triều.
Bên cạnh đó, TP đang theo đuổi và nỗ lực triển khai năng lượng gió ngoài khơi tại Cần Giờ; đề xuất có đường truyền tải điện từ tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc từ miền Tây về thành phố. Thành phố cũng đã đề nghị mở cáp quang quốc tế ở Cần Giờ. Trên cơ sở có các đầu tư trên, thành phố sẽ có các chính sách liên quan.