Trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga tại Helsinki (thủ đô Phần Lan) ngày 16.7 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gởi lời chúc Tổng thống Mỹ Donald Trump hưởng Lễ Độc Lập 4.7 vui vẻ.

Ông Putin chúc ông Trump hưởng Lễ Độc Lập 4.7 vui vẻ

Trần Trí | 05/07/2018, 13:33

Trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga tại Helsinki (thủ đô Phần Lan) ngày 16.7 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gởi lời chúc Tổng thống Mỹ Donald Trump hưởng Lễ Độc Lập 4.7 vui vẻ.

Khi một nhà báo đặt câu hỏi, người phát ngôn Dmitry Peskov của ông Putin nói lãnh đạo Nga đã gởi điện mừng, theo TASS. Ông không cho biết nội dung bức điện.

Ông Trump sẽ nhờ ông Putin đuổi quân Iran khỏi Syria?

Ngày 4.7, Tổng thống Mỹ đã có diễn văn mừng Lễ Độc Lập của Mỹ, ca ngợi các nhà lập quốc và các quân nhân. Hồi tháng 3, ông đã gọi điện chúc mừng ông Putin tái trúng cử tổng thống Nga, bất chấp khuyến cáo của các cố vấn.

Cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai Tổng thống Nga - Mỹ, kể từ sau khi ông Trump nhậm chức đầu năm 2017. Cuộc gặp này diễn ra vào lúc quan hệ Mỹ - Nga xuống cấp trầm trọng.

Ông Trump thuộc đảng Cộng hòa, từng ca ngợi ông Putin là lãnh đạo mạnh mẽ, và ông rất muốn tái khởi động quan hệ tốt hơn giữa Mỹ - Nga. Nhưng phe chỉ trích sợ ông Trump có thể sẽ nhượng bộ rất nhiều, khi hai ông Trump - Putin có cuộc gặp chính thức đầu tiên ở Phần Lan.

Tổng thống Trump đã nói khi gặp lãnh đạo Nga, ông sẽ nêu vấn đề nghi án can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Nhà Trắng tuyên bố Mỹ vẫn không công nhận Crimea thuộc Nga.

Các ông Putin - Trump từng gặp nhau lần đầu ở hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Đức hồi tháng 7.2017, và đến tháng 11.2017 lại gặp nhau ở Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.

Theo Newsweek, ở lần gặp tới, hai lãnh đạo sẽ bàn chuyện ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, quan hệ ấm dần lên giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên, Mỹ tăng trừng phạt Nga với cớ Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và vào nội chiến Ukraine và Syria.

Ngày 28.6, CNN đưa tin ông Trump nói với Vua Abdullah II của Jordan: ông sẽ mượn cuộc gặp Putin để bàn chuyện rút quân Mỹ khỏi Syria.

Các báo khác nêu ông Trump sẽ nhờ ông Putin giúp đuổi quân Iran khỏi Syria. Nga và Iran đều là đồng minh của Tổng thống Bashar al-Assad, người mà Mỹ muốn lật đổ thông qua quân nổi dậy có CIA chống lưng. Từ khi có Nga giúp đỡ quân sự, quân đội Syria gần như đánh bại quân nổi dậy và bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn nổi lên từ cuộc nổi dậy năm 2011.

Vừa qua, các cuộc tiếp xúc cấp cao diễn ra giữa hai đoàn Mỹ - Nga, nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga. Một đoàn nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng đến Moscow hôm 5.7, với hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai thế lực quân sự hàng đầu thế giới.

Báo chí Triều Tiên cũng mừng một sự kiện trùng Lễ Độc Lập 4.7 của Mỹ

Theo Newsweek, Triều Tiên cũng tổ chức mừng một sự kiện trùng Lễ Độc Lập 4.7 của Mỹ, khác với năm 2017, Triều Tiên phóng quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên, tung hô quả này là “quà tặng bọn Mỹ đê tiện”.

Nhưng sau cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12.6 tại Singapore, Triều Tiên đổi thái độ chống Mỹ.

KCNA đăng một bài báo nhắc sự kiện ký Tuyên bố chung liên Triều 4.7. Đây là văn kiện đầu tiên có chữ ký của hai chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc, kể từ khi Liên Xô và Mỹ chia cắthai miền sau Thế chiến 2, và tiếp đó Triều - Hàn đánh nhau trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Trong Tuyên bố chung này, nhà lập quốc Triều Tiên Kim Il-sung và Giám đốc Cục tình báo Hàn Quốc (KCIA) Lee Hu-rak nêu 3 nguyên tắc để thống nhất liên Triều: độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.

Giới truyền thông Triều Tiên năm 2018 ca ngợi sự kiện này hết lời. Báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên gọi đây là “một sự kiện quốc gia lịch sử vĩ đại, phá tan mây mù chia rẽ - đối đầu và cho toàn bộ nhân dân lạc quan và hy vọng đất nước thống nhất”.

Báo Minju Joson viết “một chiến thắng lịch sử của chính sách độc lập và tái thống nhất hòa bình do Chủ tịch đề ra, và là một sự kiện thời đại tạo cột mốc cho quan hệ liên Triều và phong trào tái thống nhất”.

Sau khi ông Kim Il-sung qua đời năm 1994, người con Kim Jong-il có những kế hoạch “mừng” Lễ Độc Lập 4.7 của Mỹ: khi những thỏa thuận quốc tế liên quan chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đổ vỡ năm 2006, ông ra lệnh phóng 7 tên lửa - gồm quả tên lửa tầm xa Taepodong-2 bị phóng thất bại - vào đầu giờ sáng 5.7.2016, trong khi lục địa Mỹ còn là ngày 4.7.

Vụ phóng này của Triều Tiên vào lúc Mỹ phóng tàu con thoi Discovery trong chương trình “Bay trở lại” lên Trạm Quỹ đạo quốc tế (ISS). Tháng 10.2006, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân đầu tiên, khiến Mỹ cùng các cường quốc phẫn nộ.

Qua tháng 5.2009, ông Kim Jong-il thử vũ khí hạt nhânlần hai, và qua tháng sau, Hội đồng bảo an LHQ lại lên án và trừng phạt Triều Tiên.

Ngày 4.7.2009, Triều Tiên phóng 7 tên lửa để trả đũa nghị quyết 1874 của Hội đồng bảo an. Triều Tiên gọi nghị quyết này là “lời tuyên chiến”.

Ông Kim Jong-il qua đời năm 2011, trao quyền lực cho con trai út Kim Jong-un, vị lãnh đạo trẻ tuổi và ít kinh nghiệm nhưng lại đạt được nhiều thành tích ngoại giao.

Trong những tháng đầu tiên của chính phủ Mỹ thời ông Trump, ông Kim tăng tốc thử tên lửa rồi phóng quả ICBM ngày 4.7.2017. Đến cuối tháng 7.2017, ông còn cho phóng quả ICBM khác, thử hạt nhân lần thứ sáu vào tháng 9 và qua tháng 11 thì phóng quả ICBM thứ ba vốn bay cao hơn Trạm ISS gấp 11 lần.

Đầu năm 2018, ông Kim mở hoạt động ngoại giao, làm thân với Hàn Quốc, rồi có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc ngày 27.4, hứa chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Hai ông còn gặp nhau lần 2 hồi tháng 5, và ông Kim cũng qua Bắc Kinh 3 lần để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đỉnh cao hoạt động ngoại giao của ông Kim là gặp ông Trump. Tại cuộc gặp thượng đỉnh này, Ông Trump hứa bảo đảm an ninh cho Triều Tiên, sẽ dần hủy bỏ các lệnh cấm vận, và ông Kim đã đồng ý “sẽ làm việc tiến đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, dù Bình Nhưỡng chưa thể hiện bất kỳ động thái nào có thể trông thấy về việc giải giáp kho VKHN, và tình báo Mỹ báo cáo Triều Tiên tăng sản xuất nhiên liệu chế vũ khí hạt nhân ở nhiều địa điểm bí mật trong vài tháng qua, và có lẽ giấu chúng trong khi tìm sự nhượng bộ trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Bích Ngọc (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
2 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Putin chúc ông Trump hưởng Lễ Độc Lập 4.7 vui vẻ