Tại cuộc họp báo chung với chính trị gia lãnh đạo phe đối lập Đức Friedrich Merz, Tổng thống Volodymyr Zelensky nêu ý tưởng cho phép quân đội nước ngoài được triển khai trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi nước này có thể gia nhập NATO.
Chính trị gia Merz nhân cuộc gặp gỡ đã chỉ trích chính sách từ chối cung cấp vũ khí tầm xa của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông nói rằng làm vậy giống như bắt Ukraine chiến đấu chỉ với 1 tay.
Phía Tổng thống Zelensky thì phát biểu: “Ukraine muốn chấm dứt cuộc chiến hơn bất cứ ai khác. Chắc chắn một giải pháp ngoại giao sẽ cứu được nhiều sinh mạng hơn. Chúng tôi thực sự muốn điều đó”. Ông cho biết đã thảo luận khả năng giữ nguyên ranh giới trong cuộc chiến lúc hội đàm Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa qua, đồng thời tỏ ý hoài nghi thiện chí kết thúc chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì vậy cần gây sức ép.
“Chỉ có thể sử dụng vũ lực nếu Ukraine mạnh mẽ. Một Ukraine mạnh mẽ ở mặt trận ngoại giao đồng nghĩa với một Ukaine mạnh mẽ ngoài chiến trường”, theo Tổng thống Zelensky (ngụ ý Kyiv cần được giúp đỡ để trở nên mạnh hơn).
Đặc biệt ông còn nêu lại ý tưởng triển khai quân đội nước ngoài đến Ukraine mà Tổng thống Macron từng đề cập vào đầu năm: “Chúng ta có thể suy nghĩ và triển khai ý tưởng của Tổng thống Macron. Ông ấy đề xuất đưa lực lượng một số quốc gia đến lãnh thổ Ukraine, nhằm đảm bảo an ninh cho chúng tôi khi Ukraine chưa gia nhập NATO. Nhưng khi nào Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO?".
Trở thành thành viên NATO là một phần của “kế hoạch chiến thắng” do Tổng thống Zelensky đề xuất. Nhà lãnh đạo nói với đài Sky News rằng mời Ukraine gia nhập trong lúc chưa giành lại phần lãnh thổ bị Nga chiếm đóng có thể là giải pháp chấm dứt “giai đoạn nóng” của cuộc chiến.
Tuy nhiên thời gian gần đây lập trường của nhiều nước thành viên không hề thay đổi, đặc biệt giữa lúc họ chờ đợi Tổng thống đắc cử Trump đưa ra chính sách Ukraine một cách rõ ràng. Vào tháng trước, tạp chí Politico từng tiết lộ có ít nhất 7 nước phản đối kết nạp Ukraine vào NATO ngay lập tức, gồm Đức, Slovakia, Mỹ, Hungary, Bỉ, Slovenia, Tây Ban Nha.
Việc gia nhập EU cùng NATO được Tổng thống Zelensky thúc đẩy nhằm xích lại gần hơn với phương Tây, đồng thời tăng cường phòng vệ trước Nga. Tuy nhiên, bước đi này đem đến rủi ro chiến tranh leo thang.
Điều 5 Hiệp ước NATO quy định toàn liên minh hỗ trợ quân sự nếu một quốc gia thành viên bị tấn công, vì vậy, nếu Ukraine gia nhập NATO mà vẫn còn chiến tranh với Nga thì điều khoản này sẽ được kích hoạt.
Nga nhiều lần tuyên bố việc cho phép Ukraine gia nhập NATO là hoàn toàn không chấp nhận được và nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ.