Cổ đông lớn nhất của PGBank là Petrolimex đang mong muốn thoái vốn ngay trong năm 2021 khiến cuộc đua nắm quyền chi phối ngân hàng này đang nóng từng ngày.

Petrolimex muốn thoái vốn tại PGBank, cuộc đua thâu tóm cổ phần nóng trở lại

Nam Phong | 26/05/2021, 21:08

Cổ đông lớn nhất của PGBank là Petrolimex đang mong muốn thoái vốn ngay trong năm 2021 khiến cuộc đua nắm quyền chi phối ngân hàng này đang nóng từng ngày.

Hiện Petrolimex đang sở hữu 40% vốn tại PGB. Tới ngày 31.12.2020, giá trị khoản đầu tư vào PGBank theo phương pháp vốn chủ sở hữu là 1.572 tỉ đồng và giá trị hợp lý là 2.056 tỉ đồng.

co-phan.jpg
Petrolimex muốn thoái vốn tại PGBank

Ngoài ra, cổ đông cũ ở Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười nắm giữ 15%, nhóm mới sở hữu khoảng 15%, nhóm của “đại gia” Trần Anh Tuấn (MSB) nắm giữ khoảng 10%, nhóm liên quan đến HDBank nắm giữ khoảng 5% cổ phần PGBank.

Năm 2018, chủ trương sáp nhập VietinBank và PGBank đã được thông qua nhưng cuối cùng đổ bể vào phút chót. Như vậy, PGBank vẫn chưa hoàn thành thương mua bán sáp nhập dù đã có 3 ngân hàng tiếp cận, từ VietinBank, MSB đến HDBank.

Tuy nhiên, vào tháng 5.2020, ông Hoàng Xuân Hiệp, một nhân sự cấp cao của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) bất ngờ đầu quân cho PGBank và đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và tuân thủ.

Tháng 11.2020, PGBank bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó tổng giám đốc MSB làm quyền Tổng giám đốc PGBank. Cũng trong năm 2020, một số cổ đông lớn của MSB ồ ạt gom cổ phiếu PGBank.

Ông Nilesh RatilalBanglorewala, sinh năm 1964, được giới thiệu vào Hội đồng Quản trị PGBank nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Nilesh có 33 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng làm việc hơn 10 năm tại MSB; vị trí gần nhất là Giám đốc khối quản lý tài chính kiêm kế toán trưởng MSB (giai đoạn 2015-2020).

Bà Dương Ánh Tuyết cũng được bầu vào Ban Kiểm soát PGBank. Bà Tuyết có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, công tác tại MSB từ năm 2011. Vị trí gần nhất bà Tuyết nắm giữ là thành viên Ủy ban nhân sự MSB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên FCCOM.

Như vậy, không tính khả năng các nhân viên, chỉ riêng khối lãnh đạo đã có 4 nhân sự chủ chốt của MSB giờ là lãnh đạo PGBank. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi cho việc liệu PGBank sẽ sáp nhập vào MSB khi các nhân sự chủ chốt của MSB dần dần ngồi ghế lãnh đạo PGBank?

Tuy nhiên, trả lời báo chí, đại diện MSB mới đây lại cho biết các nhân sự cấp cao chuyển sang đảm nhiệm các vị trí then chốt tại PGBank sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động tại MSB do không còn phù hợp với kế hoạch kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt với kế hoạch thoái vốn tại FCCOM. Tuyên bố này, ngầm phủ nhận đồn đoán doanh nhân Trần Anh Tuấn, ông chủ MSB, TNG sẽ thâu tóm PGBank.

Được biết năm 2020 ngân hàng MSB phải hoãn cho vay bất động sản, không thể rót vốn cho các dự án của TNR - một đơn vị do vợ ông Trần Anh Tuấn, cựu đại biểu quốc hội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch HĐQT. TNR Holdings có quỹ đất khủng trải dài trong cả nước và đang triển khai tới gần 50 dự án bất động sản, từ khu đô thị, khu nghỉ dưỡng tới bất động sản công nghiệp. Liệu đây có phải lý do MSB nhảy vào cuộc đua thâu tóm ngân hàng?

Theo khoản 3, điều 2, Thông tư 36/2014/TT-NHNN, ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai (02) tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó. Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó.

Ông Trần Anh Tuấn không chính danh sở hữu cổ phiếu của một ngân hàng nào khác MSB nhưng ngân hàng này hiện đang nắm giữ 3,33% vốn PVComBank và 1,31% vốn DAB.

Trong khi đó, TNG Holdings Vietnam, do cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường giữ chức Chủ tịch HĐQT, gần đây có mối quan hệ chặt chẽ với PGBank, được giới thiệu là đơn vị liên kết, tương tự MSB.

Điều này cũng bất ngờ như trong lần PVCombank công bố các nhóm cổ đông liên quan, vào tháng 3.2018, nhóm cổ đông có liên quan đến ông Trần Anh Tuấn sở hữu tới 31,86% vốn PVCombank.

Trong một tài liệu liên quan đến việc đề cử nhân sự tham gia Hội đồng Quản trị, PVComBank đã tiết lộ một danh sách dài các cổ đông sở hữu dưới 5% cổ phần, nhưng lại có sự liên quan đến nhau. Đơn cử như MSB, Công ty TNHH BĐS HA Quận Ba, Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang, Công ty cổ phần Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng, Công ty cổ phần Đầu tư Địa Việt và nhiều cổ đông cá nhân khác.

Mặc dù danh sách này chia thành 3 nhóm khác nhau, nhưng thực tế đa phần các pháp nhân và cá nhân trong nhóm cổ đông trên đều có liên quan đến Chủ tịch MSB.

Chẳng hạn Công ty Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng từng là công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Tây Giang - một tập đoàn công nghiệp khai khoáng có tiếng ở khu vực phía bắc.

Ông Nguyễn Xuân Học, người xuất hiện trong danh sách cổ đông của PVCombank năm 2018, cũng là cổ đông của Công ty Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng. Tương tự, Công ty Cốc hóa Tây Giang cũng từng là công ty con của Tập đoàn Tây Giang.

Tập đoàn Tây Giang và Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam - tiền thân của TNG Holdings Group, là các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Khai thác chế biến khoáng sản Việt (VMPCO). VMPCO từng nắm trong tay khoảng 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn ở khu vực phía bắc. Ông Trần Anh Tuấn có thời kỳ còn trực tiếp giữ ghế Chủ tịch HĐQT của VMPCO.

Việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Sở hữu chéo tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng, vô hiệu hóa các giới hạn và nguyên tắc an toàn tín dụng theo quy định hiện hành, nguồn vốn và các dòng tiền của các ngân hàng không được đánh giá đúng và giám sát chặt chẽ, sự thâu tóm bất hợp pháp thậm chí biến ngân hàng thành công ty gia đình hay chỉ của một vài cá nhân, đe dọa đổ vỡ lớn cho hệ thống chung.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này, việc sở hữu chéo cần có cơ chế, chính sách buộc các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch danh sách cổ đông, việc xử lý nghiêm tình trạng mượn danh, mạo danh cổ đông cũng cần được thực hiện rốt ráo.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần; giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các tổ chức tín dụng; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Petrolimex muốn thoái vốn tại PGBank, cuộc đua thâu tóm cổ phần nóng trở lại