Trang Fast Company cho biết kể từ mùa thu năm nay, người đi làm tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển sẽ có lựa chọn phương tiện giao thông công cộng mới khi di chuyển giữa tòa thị chính với vùng ngoại ô Ekerö: một phà cánh ngầm chạy điện không chạm mặt nước sử dụng năng lượng ít hơn phà chạy bằng diesel thông thường đến 80%.
Nguyên mẫu phà điện được công ty Candela ra mắt năm 2016. Do hạn chế về công nghệ pin hiện hành nên việc điện khí hóa tàu thuyền rất khó khăn. Pin lithium-ion có mật độ năng lượng thấp hơn diesel hoặc xăng, do đó muốn chuyển sang chạy điện thì phương tiện phải lắp bộ pin kích thước lớn và nặng. Đây là lúc công nghệ cánh ngầm phát huy tác dụng. Giống như đôi cánh nằm bên dưới, cánh ngầm nâng phương tiện lên khỏi mặt nước để chúng di chuyển dọc theo bề mặt, giúp giảm cả lực cản lẫn năng lượng cần dùng.
Tại Stockholm, phà thông thường chịu giới hạn tốc độ 12 hải lý/giờ vì như vậy tạo ra sóng ảnh hưởng tàu khác hoặc làm hỏng cơ sở bến bãi. Nhưng nhờ cánh ngầm mà phà P-12 của Candela được phép di chuyển nhanh hơn. Do không chạm mặt nước nên phương tiện không tạo ra sóng, thoải mái chạy với tốc độ khoảng 20 - 30 hải lý/giờ.
Trước đây quãng đường 18 km giữa tòa thị chính với Ekerö mất 1 giờ đồng hồ ngồi phà. P-12 cắt giảm một nửa thời gian, ngồi phà còn có thể tránh tình trạng tắc nghẽn khi di chuyển bằng ô tô (hơn 45 phút). Một chiếc phà điện chở được 30 hành khách – thấp hơn sức chứa 340 người của phà diesel. Tuy nhiên Candela cho biết trung bình phà diesel chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy 10%, chuyển sang phà nhỏ cho phép khởi hành thường xuyên hơn và thời gian di chuyển ngắn hơn.
Về khả năng bảo vệ môi trường, phân tích do sinh viên Viện Công nghệ hoàng gia KTH thực hiện ghi nhận lượng CO2 mà P-12 thải ra ít hơn 97,5% so với phà chạy bằng diesel.