Nếu không có cảm giác tin tưởng đối với gia đình mình, bạn có thể sẽ cố tình hoặc vô thức có những hành động nhằm bảo vệ bản thân khỏi sự phản bội, lừa dối, hoặc ruồng bỏ.
Văn hóa

'Phá vỡ khuôn mẫu': Khi vết thương tin tưởng nắm quyền kiểm soát

Hạ Vĩ 02/11/2024 19:19

Nếu không có cảm giác tin tưởng đối với gia đình mình, bạn có thể sẽ cố tình hoặc vô thức có những hành động nhằm bảo vệ bản thân khỏi sự phản bội, lừa dối, hoặc ruồng bỏ.

Không muốn trải qua nỗi đau đó thêm một lần nào nữa

Nếu từng bị lừa gạt hay phản bội, dối trá hay ruồng bỏ, có thể bạn cảm thấy mình chỉ còn một lựa chọn duy nhất là khép mình với người khác. Sống khép mình là một cách tự bảo vệ. Nếu người khác không thể gần gũi với tôi thì họ sẽ không thể làm hại tôi. Bạn có thể chọn không bao giờ kể chi tiết về bản thân cho người khác, không bao giờ hẹn hò, hoặc tìm cách hạn chế người khác tiếp xúc với bạn.

Nếu từng bị người yêu chia tay, bạn có thể thốt ra những lời như là "Tôi sẽ không bao giờ yêu nữa". Chúng ta nói ra những lời đó là vì sự kết thúc một mối quan hệ quả thật rất đau đớn và thường mang lại cảm giác bị phản bội, chúng ta từ chối để cho bản thân phải chịu tổn thương vì một trải nghiệm như vậy. Chúng ta không muốn phải trải qua nỗi đau đó thêm một lần nào nữa.

Nhưng những tổn thương đó không chỉ xuất hiện khi các mối quan hệ yêu đương kết thúc. Khi có ai đó trong gia đình làm một việc xâm phạm đến niềm tin của bạn nhưng không có động thái nào hay chỉ làm rất ít để gầy dựng lại sự tin tưởng, thì sống khép mình hay đóng cửa lòng có vẻ như là phương án duy nhất.

Việc sống khép kín có thể mang lại cho bạn những gì bạn mong muốn, nhưng cái giá phải trả là không bao giờ bạn được trải nghiệm việc người khác xây dựng lòng tin với mình, khôi phục niềm tin hay viết nên một câu chuyện mới.

Dành cả đời để đề phòng

Khi Angelica phát giác vụ lừa dối của gia đình, nó đã tạo ra một phản ứng dây chuyền trong cô. Sau sự kiện đó, cô trở nên thận trọng thái quá với những người cô hẹn hò, thường xuyên kiểm tra email, tin nhắn điện thoại và cả tin nhắn Instagram của họ, luôn cảnh giác cao độ trước nguy cơ bị lừa dối thêm lần nữa.

Những người thận trọng thái quá thường liên tục dò xét môi trường, các mối quan hệ và hoàn cảnh xung quanh họ để tìm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự dối trá, lừa gạt hoặc phản bội. Đây cũng là một hình thức tự vệ. Nếu không có gì qua mắt được tôi thì tôi sẽ không bị tổn thương. Nhưng điều này cũng gây mệt mỏi rất nhiều. Nó có thể tạo nên cảm giác như bạn phải dành cả đời để đề phòng, không ngừng tìm kiếm xem những chỗ nào mình có thể bị lừa dối và phản bội.

1tg-pha-vo-khuon-mau-47-.jpg

Tôi đã cảnh giác thái quá trong quá trình cha mẹ tôi ly hôn. Họ kể cho tôi những câu chuyện hoàn toàn khác nhau, những câu chuyện không thể nào đều là thật. Tôi biết có gì đó không đúng, cho nên tôi sẽ nhấc máy một chiếc điện thoại bàn khác trong nhà cha hoặc mẹ khi biết họ đang gọi điện cho nhau và nghe lén, chỉ để được biết đâu là sự thật.

Dù điều này đã giúp tôi giỏi đọc vị người khác, một kỹ năng hữu ích trong hiện tại, nhưng sự thận trọng thái quá cũng đã tước đi niềm vui, sự kết nối, tự do và cả những cuộc vui mà tôi mong muốn. Trong đời sống cá nhân, tôi thường vô tình dò xét tiểu tiết hoặc chỉ ra chồng tôi sai ở điểm nào. Giờ thì qua rồi, nhưng lúc trước đó lại là nguyên nhân gây mất kết nối và xung đột đấy.

Chấm dứt mối quan hệ để tự vệ

Khi mất lòng tin, ta thường cảm thấy phải làm phép thử với những người xung quanh. Bạn có thể thử thách ai đó bằng cách không cho họ biết mình đang mong đợi điều gì. Bạn cũng có thể thử bằng cách đẩy họ ra xa để xem liệu họ có quay lại và theo đuổi bạn, chỉ để tỏ ra rằng bạn rất quan trọng đối với họ hay không. Bạn có thể thử thách mức độ gắn kết của họ với bạn bằng cách phá vỡ giới hạn và yêu cầu những điều mà bạn biết là vô lý.

quote-pha-vo-khuon-mau-5a.jpg

Đôi khi, thử thách cũng có thể trở thành ngầm phá hoại. Trước khi phát hiện cha ngoại tình, Natasha xem cha là một hình mẫu lý tưởng. Nhưng vụ phát hiện ấy đã làm mọi thứ thay đổi. Điều này làm cô khó lòng hoàn toàn tin tưởng Clyde – chàng trai mà cô hẹn hò và đang muốn cầu hôn cô – cũng như tất cả những người cô từng hẹn hò trước anh. Cô luôn chờ đợi ngày phát hiện một điều gì đó "bị giấu kín", cho dù Clyde chưa từng làm bất kỳ điều gì để cô phải nghi ngờ. Và sự mất lòng tin trong trường hợp này đã trở thành nguyên nhân ngầm phá hoại mối quan hệ.

Natasha nảy ra ý tưởng chấm dứt mối quan hệ như một hình thức tự vệ, điều mà cô đã làm trong tất cả các mối quan hệ trước. Nếu kết thúc mối quan hệ trước khi bị phản bội thì mình sẽ không phải chịu tổn thương. Natasha không phải đang thử thách Clyde mà đang ngầm phá hoại mối quan hệ của họ. Suốt một thời gian dài, Natasha luôn tìm cách đẩy người khác ra xa, đảm bảo rằng các mối quan hệ sẽ kết thúc trước khi cô vụn vỡ một lần nữa.

Vội vàng gắn bó để không bị bỏ rơi

Một số người mang vết thương tin tưởng thường trở nên khép kín và tự cô lập bản thân khi đã trưởng thành để không phải chịu tổn thương thêm lần nữa. Nhưng những người khác, như Mahmoud, lại đi theo hướng ngược lại: Họ gắn bó với người khác rất nhanh chóng, với hy vọng khỏa lấp khoảng trống bên trong.

Khi cha của Mahmoud rời bỏ gia đình, ông đã phá vỡ chỗ dựa an toàn của anh. Hậu quả là anh trở nên nóng vội và luôn cố tạo ra sự an toàn bằng cách kết nối, thường thúc đẩy tốc độ xây dựng một mối quan hệ và tua nhanh đến trạng thái "bạn trai tức thời" với những người mà anh có ý định hẹn hò. Cách đối phó này cố gắng thiết lập sự an toàn bằng cách gắn bó mật thiết với người khác thật nhanh chóng để niềm tin không thể bị phản bội. Nếu có thể bám lấy mối quan hệ này, mình sẽ không bị bỏ rơi lần nữa.

Cho dù bạn tìm cách tránh sự kết nối và thân mật để bảo vệ bản thân khỏi bị bỏ rơi lần nữa, hay vội vàng và nhanh chóng tìm đến các mối quan hệ, thì kết quả cuối cùng vẫn là bạn sẽ không có sự kết nối chân thật. Những mối quan hệ của Mahmoud không đi đến đâu vì mục tiêu chính của anh là bảo vệ bản thân và đảm bảo rằng mình sẽ không bao giờ bị bỏ rơi nữa. Đó không phải là một phương pháp hay khi tìm hiểu ai đó, hãy hình thành một mối quan hệ thật sự hoặc để mối quan hệ tự nhiên phát triển và bền chặt dần theo thời gian. Trong vô thức, Mahmoud đã cố gắng thúc ép và xây dựng lại những gì cha anh từng lấy đi nhiều năm trước.

Chúng ta cần hiểu rằng ruồng bỏ khác với kết thúc một mối quan hệ. Nhiều người có thể không hiểu được sự khác biệt này, nhất là những ai đã từng có sự gắn bó không bền chặt. Những người mang vết thương tin tưởng liên quan đến sự ruồng bỏ sẽ tin rằng họ cần tìm ai đó không bao giờ rời bỏ họ. Hãy hứa là bạn sẽ không ra đi. Hãy hứa là bạn sẽ ở cạnh tôi mãi mãi. Nhưng tất nhiên là không có gì đảm bảo cả. Lời nói thật sự không tạo ra niềm tin.

Những vết thương tin tưởng chưa được giải quyết có thể gây rối loạn hoàn toàn các mối quan hệ hiện tại của bạn. Nó còn có thể trói buộc bạn vào những mối quan hệ không chân thành, hoặc ngược lại, khiến bạn né tránh sự gần gũi để trái tim không bao giờ bị tan vỡ lần nữa. Đây không phải là cách để sống. Khi vết thương của bạn nắm quyền kiểm soát thì không còn có thể thiết lập sự an toàn và tin tưởng mà bạn cần có để hướng tới những niềm tin mới, trải nghiệm mới và sự chữa lành.

Kỳ tới: Bạn có thể xây dựng lại lòng tin

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích về quy định khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm
4 giờ trước Giáo dục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vì xét tuyển sớm, nhiều học sinh có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Phá vỡ khuôn mẫu': Khi vết thương tin tưởng nắm quyền kiểm soát