Bộ luật Tố tụng Hình sự cần quy định rõ hơn các trường hợp được hỏi cung vào ban đêm; ghi nhận quyền im lặng của người bị bắt, bị can, bị cáo.
Ngày 8.12, tại TPHCM, Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước CAT).
Ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết: Hội thảo nhằm giới thiệu tổng quát và toàn diện về Công ước CAT; qua đó nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các quy định của pháp luật, các cơ chế hiện hành trong việc ngăn ngừa và bảo vệ mọi người khỏi hình thức tra tấn.
Ngày 28.11.2014, Quốc hội phê chuẩn Công ước CAT chứng tỏ Việt Nam luôn tôn trọng mọi cam kết quốc tế của mình, nhất là trong lĩnh vực quyền con người; thể hiện quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ chống lại mọi hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo.
Điều này cũng thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế; là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề mà quốc tế quan tâm.
Tại hội thảo, ông Manfred Nowak, giáo sư, tiến sĩ Luật quốc tế và quyền con người, Đại học Vienna, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về chống tra tấn đã giới thiệu tổng quan lịch sử ra đời, những nội dung, các nghị định thư và nghĩa vụ của quốc gia thành viên tham gia Công ước CAT.
Cùng với đó, ông Brian Buchner, Thanh tra đặc biệt thuộc Văn phòng Tổng điều tra, Cơ quan Cảnh sát Bang Los Angeles (Mỹ) đã chia sẻ những kinh nghiệm của Mỹ trong việc thực hiện Công ước CAT.
Theo Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2, hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ để bảo vệ quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù khỏi các hành vi tra tấn theo tình thần của CAT.
Tuy nhiên vẫn còn một số điểm chưa tương thích như Hiến pháp mặc dù đề cập đến việc cấm tra tấn nhưng chỉ dừng lại ở vấn đề liên quan như nhục hình, bức cung; Bộ luật Hình sự chưa hình sự hóa hết các hành vi theo khái niệm tra tấn của Công ước CAT; Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa quy định quyền được bào chữa hoặc nhờ người khác bào chưa đối với người bị bắt…
Bàn về việc hoàn thiện pháp luật hiện hành phù hợp với Công ước CAT, tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2 cho rằng, cần sửa đổi Điều 298 Bộ luật Hình sự theo hướng mở rộng hành vi khách quan của tội dùng nhục hình, không chỉ trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà cả trong hoạt động tư pháp như dẫn giải nghi can, quá trình tạm giữ, tạm giam.
Đối với Bộ luật Tố tụng Hình sự cần quy định rõ hơn các trường hợp được hỏi cung vào ban đêm; ghi nhận quyền im lặng của người bị bắt, bị can, bị cáo; luật hóa các biện pháp nghiệp vụ được áp dụng trong hoạt động điều tra cũng như xem xét việc ghi hình, ghi tiếng khi hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng.
Đồng thời, cần hoàn thiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng đơn giản các thủ tục để nạn nhân bị tra tấn, nhục hình, bức cung được bồi thường một cách nhanh chóng và thỏa đáng.
Ngoài ra cần tăng cường hoạt động giám sát của xã hội, của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với các hoạt động thực hiện quyền lực Nhà nước dẫn đến hành vi tra tấn.
Đặc biệt cần tạo cơ chế về sự kiểm soát của tòa án đối với quá trình điều tra, truy tố vì trường hợp bị cáo kêu oan, tố cáo có hành vi bức cung, nhục hình của điều tra viên thì không có cơ sở cho tòa án kết luận có hay không hành vi này.
Theo TTXVN