Đó là một ni cô tham gia cách mạng nhiệt thành, hoạt động trong Đội biệt động Sài Gòn. Sinh ra trong một gia đình có kiếp tu ở Sa Đéc (Đồng Tháp), lên 7 tuổi bà đã quy ẩn nhà chùa. Tên cúng cơm của bà là Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931. Tuy nhiên, cái tên ấy dường như chỉ còn trong tiềm thức của riêng bà, bởi mọi người luôn gọi bà là ni cô Diệu Thông hay Huyền Trang

Phạm Thị Bạch Liên - Nguyên mẫu nhân vật ni cô Huyền Trang trong phim 'Biệt động Sài Gòn'

maihuong | 30/04/2017, 16:05

Đó là một ni cô tham gia cách mạng nhiệt thành, hoạt động trong Đội biệt động Sài Gòn. Sinh ra trong một gia đình có kiếp tu ở Sa Đéc (Đồng Tháp), lên 7 tuổi bà đã quy ẩn nhà chùa. Tên cúng cơm của bà là Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931. Tuy nhiên, cái tên ấy dường như chỉ còn trong tiềm thức của riêng bà, bởi mọi người luôn gọi bà là ni cô Diệu Thông hay Huyền Trang

Bà nhập ngũ tháng 10.1960 và chính thức hưu trí ngày 1.6.1982, với cấp hàm Thượng sĩ thuộc Phòng Tham mưu - Bộ Tư lệnh TP HCM. Như vậy bà tham gia công tác liên tục 21 năm 8 tháng.

Trong bộ phimBiệt động Sài Gòn, theo kịch bản, ni cô Huyền Trang đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh. Tuy nhiên,ngoài đời thực nguyên mẫu ni cô, bà Phạm Thị Bạch Liên năm nay đã 86 tuổi và đang sống ở An Giang.

Ni cô Huyền Trang do diễn viên Thanh Loan đóng trong phim Biệt động Sài Gòn.

Bà sớm tham gia các hoạt động yêu nước nên đã từng bị đuổi khi đang học ni ở Ni Trường Diệu Đức (Huế).

Từ Huế bà trở về miền Nam vào năm 1959, đúng vào lúc cả miền Nam đang có những chiến dịch tố cộng, diệt cộng đẫm máu. Nhiều chiến sĩ cách mạng và cả dân làng quanh năm chân lấm tay bùn cũng bị chúng cho vào máy chém để trừ hậu họa. Hình ảnh ấy ngay cả những lúc tĩnh tâm nhất cũng ám ảnh ni cô Diệu Thông lúc đó đang tu hành ở chùa Kim Bửu.

Ni cô Huyền Trang thời trẻ.

Những cái giật mình trong đêm cắt ngang bài cầu kinh của bà. Rồi bà chợt nghĩ, cái cốt của đạo là cứu khổ cứu nạn. Chính vì thế, ni cô Diệu Thông không thể ngồi yên khi thấy cảnh dân lành bị chết chóc, hãm hiếp, cướp bóc.

Bà Phạm Thị Bạch Liên - ni sư Huyền Trang năm 2015.

Ni cô Diệu Thông và mẹ cùng tham gia giải phóng xóm làng trong phong trào đồng khởi, lòng bà lâng lâng như vừa đọc một bài kinh xá tội, lại được cha là người tu hành lâu năm khen ngợi rằng “đã làm đúng với những gì đạo Phật răn dạy” khi được con gái hỏi về việc hai mẹ con tham gia giải phóng xóm làng; cha còn nói rằng "Vô ngã" không có nghĩa là thấy chuyện bất bình làm thinh, mà "vô ngã" là đừng bao giờ sa chân lỡ bước vào những nơi vẩn đục, tay làm những điều xấu xa bị người đời chê trách.

Nghe cha nói, có một điều gì đó trong lòng chợt thức dậy. Ni cô quyết chí lên Sài Gòn, sống cuộc đời tu hành tự lập và nuôi dưỡng một ý định táo bạo được cho là bứt phá trong giới tu hành khổ hạnh.

Ngày ấy, trên góc đường Trần Quốc Toản và Lò Siêu (Quận 11) chỉ toàn là nước và sình lầy với những ngôi nhà lụp xụp mái lá mà người ta vẫn gọi là khu ổ chuột của những người cùng khổ. Bỗng, từ vùng đất ấy mọc lên một ngôi chùa mái lá với cái tên Bổn Nguyện - đó là thành quả của ni cô Diệu Thông trải bao ngày âm thầm đắp đất, bới cỏ, nhặt từng thanh tre ghép lại thành cột chùa. Ni cô còn cần mẫn làm hương, ủ tương đem bán kiếm từng đồng cắc lẻ mua những thứ thiết yếu cho ngôi chùa.

Rồi những Phật tử thường xuyên lui tới chùa. Ít ai biết được đó là một mạng lưới cách mạng đang phát triển lớn dần lên trong vỏ bọc nhà chùa dưới sự chở che của ni cô Diệu Thông. Kiếp tu hành của ni cô Diệu Thông từ đây chính thức bước sang một chương mới.

Huân chương Chiến công giải phóng do Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTDTGPMNVN tặng bà Phạm Thị Bạch Liên năm 1969.

Chùa Bổn Nguyện còn là trụ sở chính của tổ biệt động thành dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu - tư lệnh các lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định), góp phần vào thắng lợi của cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trụ trì của ngôi chùa - thầy Viên Hảo là cháu của ni cô Diệu Thông cũng là một tu sĩ yêu nước, thương dân, nhiệt tình tham gia cách mạng. Bà Liên với bí danh Huyền Trang đã trở thành một mắt xích quan trọng của biệt động thành.

Những con đường, lối phố, tất cả các cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ - Sài Gòn, Huyền Trang đều nắm trong lòng bàn tay. Ni cô Huyền Trang là một mắt xích không thể thiếu cho các trận đánh vào mục tiêu của đội biệt động. Các chiến sĩ chỉ việc ôm bộc phá, khối thuốc nổ leo lên xe Honda rồi ni cô đưa tới tận địa điểm đặt nổ. Có lẽ, chưa bao giờ ni cô Diệu Thông do thám không chính xác ở bất cứ trận đánh nào.

Nhiều hoạt động đã diễn ra tại chùa Bổn Nguyện khiến bọn cảnh sát ngụy quyền bắt đầu theo dõi. Chúng tìm đủ mọi cách phá hoại chùa và cuối cùng là đổ xăng đốt chùa cùng xóm nhà tranh nghèo.

Trong phút chốc, Chùa Bổn Nguyện, công sức bao nhiêu ngày tháng đổ mồ hôi, sôi nước mắt của ni cô Huyền Trang và toàn thể anh chị em phật tử tan thành tro bụi. Ngay sau đó, ni cô Huyền Trang và sư trụ trì Viên Hảo bắt đầu tìm cách dựng lại mái che ngay trên nền chùa. Mấy năm sau, cũng trên góc đường đó, một ngôi chùa khang trang mọc lên. Chùa mới mang tên gọi "Tam Bảo Tự". Tam Bảo Tự tất yếu vẫn đi theo con đường ngày xưa Bổn Nguyện đã từng đi.

Cuộc đời đấu tranh của ni cô Huyền Trang cùng với những trận đánh xuất quỷ nhập thần đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại. Chiếc áo nhà tu cùng chiếc khăn trùm màu vàng úa của bà được đặt trang trọng trong Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ như một chứng nhân của lịch sử.

Huân Chương Kháng chiến Hạng Nhất do Hội đồng Nhà nước Nước CHXHCNVN tặng bà Phạm Thị Bạch Liên năm 1985.

Bà còn có chiếc Honda mà ngày xưa từng rong ruổi khắp Sài Gòn chở đội quân biệt động đi đánh Tòa đại sứ, Dinh Độc Lập, Đài Phát Thanh... do Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Linh tặng. Nay kỉ vật ấy bà muốn gửi lại cho Bảo tàng làm tư liệu.

Sau giải phóng, Huyền Trang về công tác tại Bộ Tư lệnh thành phố rồi bà nghỉ hưu. Những ngày về hưu buồn tẻ, trống trải, bà cùng với các tăng ni, phật tử trở về Đồng Tháp khai khẩn được hơn 300 ha ruộng để làm nông nghiệp.

Hoàn thành xong công việc, bà lại quay trở về TP.HCM sống trong căn phòng nhỏ ở chùa Trúc Lâm (Q. Gò Vấp, TPHCM). Ngày đêm, bà se hương để kiếm tiền mưu sinh qua ngày. Một phần đó là công việc để mưu sinh nhưng ước nguyện lớn nhất của bà là khôi phục lại chùa Tam Bảo ngày xưa đã bị chính quyền Sài Gòn san phẳng và đem đất bán cho dân. Bởi, Tam Bảo không chỉ là ngôi chùa bình thường mà nơi ấy là trái tim của biệt động thành. Nơi ấy, Huyền Trang đã hòa mình vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và đó cũng chính nơi thấm đọng biết bao nước mắt, máu của những con người quả cảm ra đi không bao giờ trở lại.

Tuy nhiên, thật khó để làm được điều đó khi chỉ còn một mình ni cô Huyền Trang lẻ bóng lúc chiều tàn. Sau những năm tháng chống chọi với nhiều căn bệnh trên cơ thể, bà quay về chùa của mẹ ở Long Xuyên gửi trọn phần đời còn lại của mình ở nơi này. Mỗi tháng đều đặn, bà Huyền Trang một mình bắt xe đò từ Long Xuyên lên bệnh viện Nguyễn Trãi (TP. HCM) khám.

Ni cô Huyền Trang nhanh như con sóc ngày nào giờ đã chậm chạp, già nua. Nhiều người khuyên bà lên thành phố ở để cho tiện việc chữa bệnh thường xuyên. Nhưng, bà nói: "Tôi vốn dĩ vẫn chỉ có một mình. Long Xuyên là chùa của mẹ ngày xưa, Đồng Tháp có chùa của cha. Tôi chỉ có thể ở một trong hai nơi ấy thôi".

Tháng 7.1969, bà được UB Trung ương MTGPMNVN tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3; tháng 3-1985 được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước CHXHCNVN tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 18-9-2011 bà được Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng tặng kỷ niệm chương do có nhiều cống hiến xây dựng ngành tình báo quốc phòng Việt Nam.

Hai lần bà được cấp nhà: lần đầu sau khi về hưu Nhà nước tặng bà căn nhà tình nghĩa ở quận Gò Vấp. Rồi năm 2000 trường phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Diệu ở quận 3 tặng bà căn nhà ở phường Hiệp Thành, quận 12. Bà ở đó đến tháng Chạp năm 2011, thì về An Giang.

Năm 1982 bà để tóc trở lại với đời, nhưng bà vẫn tu tại gia. Tháng Chạp năm 2011 bà về chùa Thất Bửu ở Long Xuyên (An Giang) xuống tóc xuất gia trở lại. Tháng 3.2015, bà được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong ni lên hàng giáo phẩm Ni trưởng. Ngày ngày, bà ở một mình ngay cạnh chùa để tiện cho việc tu hành.

Phạm Thúy Lan (ST và tổng hợp - Dân Trí)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
41 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm Thị Bạch Liên - Nguyên mẫu nhân vật ni cô Huyền Trang trong phim 'Biệt động Sài Gòn'