Để người ta tin vào chân mạng thiên tử, làm tổng thống đời đời của Nguyễn Văn Thiệu, ông thầy bói Huỳnh Liên đưa ra lá số tử vi “tam tý, tứ quý” rất hoàn hảo. Lá số thời điểm trước bầu cử năm 1967 và lá số sau khi Thiệu làm tổng thống có khác biệt chút ít. Lá số sau, chân mạng thiên tử của Thiệu “tỏa sáng” hơn lá số trước... >> Phần 1: Hồ Con Rùa và vận số trong tay “thầy bói"... quốc gia >>Chuyện ly kỳ về “lá số tử vi” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Lá số tử vi số 2 xuất hiện ngay trước thềm bầu cử lần 2
Lá số thứ hai này diễn giải Nguyễn Văn Thiệu sinh vào nửa đêm (giờ Tý) ngày 24.12.1924, tức ngày 28/11 âm lịch, nhằm vào ngày Đinh Sửu, tháng Bính Tý của năm Giáp Tý. Theo "tử vi đẩu số" thì Nguyễn Văn Thiệu không chỉ "trùng tam tý" mà còn "trùng tứ quý mệnh" mang cung Viên cũng nằm ở Tý.
|
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu |
Theo tử vi đẩu số thì "tứ tý, tứ quý mệnh" gồm: Nhất quý đế vương; Nhị quý hiển danh; Tam quý trường thọ; Tứ quý tài lộc. Có nghĩa là Thiệu sẽ làm vua, nổi tiếng, sống lâu và giàu có suốt đời, mãn kiếp. Bây giờ có thêm "Tứ tý" thì Thiệu có thêm cung mạng "tứ linh" tức lúc nào xung quanh Thiệu cũng có 4 linh vật độ trì: Long, Lân, Quy, Phụng. Căn cứ vào đó thì ai theo phò tá trung thành với Thiệu sẽ mang thêm chân mạng của 1 trong 4 linh vật.
Cũng theo lá số thứ hai, Thiệu mang mạng Kim, lại rơi vào cung Thủy là đắc cát (may mắn). Năm 1965, Thiệu bước vào tuổi 41, đi vào cung Thổ, mà Thổ lại sinh Kim nên gặp "Khoa, Quyền, Lộc, Binh, Hình, Tướng, Ấn" (Tức đắc cử, có quyền, có lộc, cầm binh, giữ luật, hàm tướng, có chức vị cao nhất). Nhờ đó, vào năm 1965, Thiệu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia - Quốc trưởng rồi sau đó lên chức Tổng thống.
Với cách giải lá số tử vi như vậy thì Nguyễn Văn Thiệu quả là con nhà trời sai xuống trần gian nắm vận mạng cả thế giới chứ không chỉ riêng miền Nam Việt Nam.
Nhiều người nêu thắc mắc, mang chân mạng lớn như vậy, sao Thiệu không được "đầu thai" vào gia đình danh gia vọng tộc để dễ dàng leo lên ngai rồng mà lại ra đời trong một gia đình nghèo rớt mồng tơi ở Ninh Thuận? Chiêm tinh gia Huỳnh Liên đổ thừa: Vì thực dân Pháp trấn yểm dinh Độc Lập nên chân mạng thiên tử của Thiệu phải đầu thai nhằm gia đình nghèo. Nếu không bị trấn yểm, có khi Nguyễn Văn Thiệu là con trai vua… Hàm Nghi (?!).
Huỳnh Liên tổ chức họp báo gồm những ký giả chuyên viết "tin bàn đèn" tại sân dinh Độc Lập. Ông ta huyên thuyên giải thích: "Hình ảnh lá cờ ba que bay chấp chới dưới tầng 1 giống như lửa tam muội đốt dinh. Phải dời lá cờ lên trên nóc. Cần xây thêm một hàng vòi phun nước thẳng lên để … dập lửa tam muội".
|
Dinh Độc lập ngày nay |
Thật ra, lúc đó ông hàm ý Nguyễn Cao Kỳ "đốt cháy" dinh Độc Lập. Bởi theo Hán tự, "kỳ" là "cờ". Đó là lý do sau khi Nguyễn Cao Kỳ được làm Thủ tướng nhưng Thiệu nài nỉ Kỳ đừng dọn vào dinh ở. Nguyễn Cao Kỳ đành thu xếp một chỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất làm văn phòng làm việc và ở luôn cho đến năm 1975.
Đó là lý do, cột cờ được dời lên sân thượng dinh Độc Lập.
Một hôm Thiệu triệu Huỳnh Liên vào phủ đầu rồng chìa ra một bản vẽ bản đồ miền Nam Việt Nam. Trên bản đồ, Thiệu vẽ sẵn một hình chữ T. Điểm gốc xuất phát từ Ninh Thuận - quê hương của Thiệu. Điểm ngọn là dinh Độc Lập. Từ dinh Độc Lập có 3 nhánh nhỏ chìa ra. Điểm cuối của 3 nhánh nhỏ ấy là Hồ Con Rùa, Nhà thờ Đức Bà và một dinh thự nằm trên đường Công Lý (tức đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay). Nếu ai hiểu phong thủy, kết nối các điểm ấy với nhau sẽ thấy đó là hình của cụm sao Vua. Chiêm tinh gia như Huỳnh Liên cũng bái phục tài chiêm tinh của Thiệu.
Tuy nhiên, sau khi lật tới lật lui bức đồ hình, Huỳnh Liên đề nghị Thiệu kéo thêm 1 đường gạch thẳng xuống đồng bằng sông Cửu Long kèm thêm phân tích: "Với đồ hình này, tổng thống chỉ làm vua từ miền Trung tới Sài Gòn thôi. Cần kéo dài đến miền Tây Nam Bộ. Với đồ hình kéo thêm về miền Tây thì chữ "chủ" sẽ hiện rõ. Trong chữ chủ có chữ vương. Nếu làm vua mà không làm chủ thì mất quyền vào tay Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, tổng thống thành ra kẻ ngồi làm hình nộm. Nếu vừa vương vừa chủ thì tổng thống mới đích thật có quyền hành trong tay. Vả lại, đồ hình chữ chủ gần giống với mũi tên hướng về miền Bắc". Nghe Huỳnh Liên diễn giải, Thiệu mát ruột đồng ý ngay.
Ngay lập tức, Thiệu cho gọi một sĩ quan công binh vào dinh Độc Lập bằng một công điện "tuyệt mật".
Viên sĩ quan này được Thiệu trực tiếp ra lệnh: "Em tuyển một số lính có biểu hiện sợ chết, đào ngũ để thành lập một đơn vị đặc biệt. Đơn vị đặc biệt này sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ đặc biệt tối mật theo sự hướng dẫn của một chuyên gia từ Hồng Kông trở về. Em chỉ được phép thực hiện chứ không được phép hỏi". Đó là lý do sau này người ta đồn Huỳnh Liên là thầy phong thủy gốc Hồng Kông.
Tuy đồ hình phong thủy trấn yểm long mạch cho vận mạng "quốc gia" nhưng lại mang tính chất cá nhân cho Thiệu. Những vị trí được đánh dấu trấn yểm trên bản đồ gồm 5 vị trí: Dinh Độc Lập; Thư viện Quốc gia; Nhà thờ Đức Bà; núi Mặt Quỷ ở Ninh Hải, Ninh Thuận (quê hương của Thiệu); tư dinh của Thiệu (số 81, Trần Quốc Thảo ngày nay) và một khu vườn sát quốc lộ ở trung tâm quận Thốt Nốt, Long Xuyên (ngày nay Thốt Nốt thuộc Cần Thơ).
Trong 5 vị trí phong thủy đó, cụm "long mạch" dinh Độc Lập quan trọng nhất, bao gồm: Dinh Độc Lập (đầu rồng - Long); Thư viện Quốc gia (chân và mình rồng - Lân); Nhà thờ Đức Bà (chân và mình rồng - Phụng) và Hồ Con Rùa (đuôi rồng - Quy).
Giải mật đồ hình Hồ Con Rùa
Nếu nhìn từ khía cạnh địa lý thì vị trí đất dinh Độc Lập và Hồ Con Rùa là 2 gò nổi cao nhất trong khu vực.
Thầy bói Huỳnh Liên khẳng định, con rồng nằm dưới dinh Độc Lập quẫy đạp nên Diệm mới bị đảo chính và bị giết. Để con rồng dinh Độc Lập không quẫy đạp nữa, cần phải dùng pháp thuật đóng đuôi rồng xuống đất cho nó nằm im chịu phép.
Một ngày cuối năm 1970, Hồ Con Rùa được khởi công xây dựng gấp gáp ngay tại vị trí cổng thành Khảm Khuyết thuở xưa. Giữa trung tâm hồ nước tròn là một đài tưởng niệm cao có hình cánh hoa xòe. Theo Huỳnh Liên, đó là cây đinh đóng ghim đuôi rồng xuống đất cho nó đừng vùng vẫy. Dưới chân đài có đúc một con rùa lớn bằng kim loại đội tấm bia đá ở trên lưng. Tấm bia đá khắc tên nhiều quốc gia.
Là đà trên mặt hồ nước là 3 đường hình bán nguyệt, 1 đường hình dấu hỏi giao nhau dưới chân "cây đinh". Từ trên cao nhìn xuống, 4 lối đi trên mặt nước tạo thành một đồ hình giống lá bùa. Năm 1972, công trình Hồ Con Rùa hoàn thành và được đổi tên thành Công trường Quốc tế nhưng dân Sài Gòn vẫn thích gọi đó là Hồ Con Rùa.
Theo Nông Huyền Sơn - CAND