Tại Nghị quyết số 45/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp

Hoài Lam | 01/04/2023, 07:26

Tại Nghị quyết số 45/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Nghị quyết nêu rõ, phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP.

Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm, khoảng 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

“Bổ sung đánh giá sự phát triển của kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng sự phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, trong xu hướng phát triển các ngành nghề mới liên quan đến kinh tế số, đổi mới sáng tạo”, nghị quyết nêu.

dn.jpg
Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp

Chương trình đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân; tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.

Triển khai các nhiệm vụ trên, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất khung pháp luật đối với hộ kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ quý 2/2024.

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng các giải pháp, chính sách khai thác hiệu quả thị trường nội địa; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường tính minh bạch và kiểm soát lạm dụng vị trí độc quyền kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị…

Bài liên quan
Thủ tướng: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ thì chỉ bàn làm, không bàn lùi
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kỳ họp cuối năm HĐND TP.HCM: Thảo luận đề xuất chính sách đột phá phát triển kinh tế
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Kỳ họp lần thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) HĐND TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 9 - 11.12.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp