Ngày mai (1.4), TP.HCM chính thức thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2024.

TP.HCM thực hiện bình ổn giá các mặt hàng dược phẩm thiết yếu

P.V | 31/03/2023, 16:00

Ngày mai (1.4), TP.HCM chính thức thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2024.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM năm 2023-2024. Cụ thể thời gian thực hiện bình ổn năm 2023 bắt đầu từ ngày 1.4.2023 đến 31.3.2024.

Theo đó, danh mục thuốc bình ổn được xây dựng căn cứ vào danh mục thuốc chủ yếu dùng cho cơ sở khám-chữa bệnh, danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành lần thứ 6 và nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu của người dân TP. Danh mục có hơn 180 mặt hàng, gồm các mặt hàng thiết yếu thông thường. Số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân TP sử dụng trong năm.

Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng hoạt chất) trên thị trường ít nhất là 5 - 10%. Phát triển, đa dạng hóa hệ thống phân phối, các điểm bán thuốc bình ổn tại các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc doanh nghiệp, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP. Thuốc trong chương trình sẽ được phân phối đến người bệnh, đặc biệt người có thu nhập và điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh và có nhu cầu dùng thuốc nhiều.

ds-cong-dong.jpeg
Danh mục có hơn 180 mặt hàng, gồm các mặt hàng thiết yếu thông thường

Các nhóm thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn TP gồm 19 nhóm thuốc sản xuất trong nước trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mạn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều (bao gồm các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc từ dược liệu...).

Theo kế hoạch thực hiện, Sở Y tế được UBND TP giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư xét chọn các đơn vị tham gia chương trình, thẩm định giá thuốc đăng ký tham gia chương trình, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, chủ động yêu cầu các đơn vị tham gia chương trình bình ổn đăng ký điều chỉnh lại giá khi thị trường có biến động lớn.

Phối hợp các sở ngành chức năng, UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức sẽ kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng thuốc phục vụ bình ổn thị trường, kiểm tra giá thuốc, đặc biệt giá các loại thuốc tham gia chương trình bình ổn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Sở Tài chính được giao phối hợp Sở Y tế, Sở Công Thương, Chi cục Tài chính doanh nghiệp và sở ngành liên quan thẩm định giá đăng ký bình ổn, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đơn vị tham gia chương trình.

Sở TT-TT phối hợp với Sở Y tế tổ chức thông tin, tuyên truyền về chương trình bình ổn thị trường đến mọi tầng lớp nhân dân TP.

Công an TP được giao chủ trì, chỉ đạo các phòng chức năng và công an quận huyện áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra và xử lý đối với các hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong nhân dân.

Cục Quản lý thị trường phối hợp thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác…, đồng thời phối hợp với các sở ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá.

UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức được giao phối hợp Sở Y tế chỉ đạo các phòng y tế triển khai thực hiện chương trình; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tham gia chương trình; tổ chức thông tin về các điểm bán thuốc bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình để người dân trên địa bàn biết và mua thuốc khi có nhu cầu.

Bài liên quan
Tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt trên thị trường quốc tế
Xuất khẩu tôm năm 2024 đạt gần 4 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2023. Nhìn lại năm 2024, ngành tôm đã kiên trì và nỗ lực vượt qua thử thách, khẳng định vị thế vững chắc trong xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM thực hiện bình ổn giá các mặt hàng dược phẩm thiết yếu