Trận bão số 3 khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất các chính sách hỗ trợ thiệt hại, miễn giảm thuế, phí để có thể phục hồi sản xuất.
Tài chính và đầu tư

'Phao cứu sinh' cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3

Tuyết Nhung 19/09/2024 16:43

Trận bão số 3 khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất các chính sách hỗ trợ thiệt hại, miễn giảm thuế, phí để có thể phục hồi sản xuất.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề

Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây thiệt hại to lớn về người và tài sản ở nhiều tỉnh miền Bắc, thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ước tính nhiều nghìn tỉ đồng. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện gặp khó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của người lao động.

bao-2.jpeg
Nhiều doanh nghiệp thủy sản bị thiệt hại nặng do bão số 3 - Ảnh: Vasep

Trong các lĩnh vực, thủy sản là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Siêu bão càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng... Ước tính sơ bộ tổn thất về tài sản của mỗi nhà máy ít nhất 300 - 400 triệu đồng, có nhà máy thiệt hại 1 - 2 tỉ đồng, thậm chí có nhà máy tổn thất quá lớn tới gần 100 tỉ đồng.

Nhiều nhà xưởng bị tốc mái, hệ thống điện bị hư hỏng, hàng đông lạnh bị ảnh hưởng vì mất điện... Có nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động 5 - 7 ngày, có nhà máy tổn thất nặng nề hơn, phải mất 20 ngày trở lên để sửa chữa, khắc phục cơ bản cho hệ thống sản xuất trở lại...

Ngoài ra, cơ sở nhà xưởng, thiết bị, máy móc, hệ thống điện nước bị hư hỏng, đình trệ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng lại làm ảnh hưởng đến đơn hàng và nguy cơ bị khách hàng phạt tiền là những tổn thất về cơ hội kinh doanh chưa thể tính được hết.

Đại diện một doanh nghiệp thủy sản ở Hải Phòng cho biết công ty bị thiệt hại rất lớn do bão số 3. Công ty có 3 nhà máy thì 2 nhà máy số 2 và số 3 thiệt hại rất lớn. Tổng thiệt hại của cả công ty (gồm 3 nhà máy) khoảng 100 tỉ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và bị chậm thời hạn giao hàng đến khách hàng.

Ông Đỗ Quang Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh cho biết xưởng sản xuất của công ty bị bay một phần mái tôn; xưởng đá bị bay hoàn toàn mái tôn, bị lật 400 - 500m2. Trước mắt, ước tính công ty bị thiệt hại cơ sở vật chất khoảng gần 2 tỉ đồng, chưa kể đến thiệt hại do công ty phải tạm dừng sản xuất 4 - 5 ngày để dọn dẹp toàn nhà máy. Thiệt hại sau bão cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và giao hàng cho khách hàng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng thiệt hại lớn do cơn bão số 3 hoành hành, có công ty thì bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40 - 50kg/con cũng bị cuốn trôi...; ước thiệt hại cũng lên tới hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, bão số 3 đã gây hậu quả nặng nề cho hầu hết các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại Hải Phòng. Đến nay, mặc dù các doanh nghiệp trong các KCN, khu kinh tế tại Hải Phòng đã hoạt động sản xuất trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp cần ít nhất 3 tháng để phục hồi. Các doanh nghiệp mong muốn các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm, cho phép các công ty bảo đảm được quỹ phục hồi càng sớm càng tốt.

Các doanh nghiệp đề nghị giảm tạm thời nhiều loại thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, tiền điện, tiền nước để giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình phục hồi. Các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm, cho phép các công ty bị ảnh hưởng bảo đảm được quỹ phục hồi càng sớm càng tốt.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Vì thế mới đây, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số nội dung chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đối với các ngành, lĩnh vực tại địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 3, VCCI đề xuất hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với lồng bè nuôi trồng thủy-hải sản theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP (Nghị định 02), cân nhắc tăng mức tiền hỗ trợ và áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thủy-hải sản. Còn đối với tàu cá, tàu du lịch thì hỗ trợ thiệt hại thực tế theo định mức.

bao-1.jpg
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ khẩn cấp để phục hồi sản xuất - Ảnh: Vasep

VCCI cũng đề xuất miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thủy-hải sản đến hết 2025; miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thủy nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm; hỗ trợ 50 - 70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025.

Theo VCCI, cần cân nhắc việc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với đối tượng này trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng. Cân nhắc việc giảm các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội trong khoảng 4 đến 6 tháng; cân nhắc miễn phần kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng.

Thứ nhì, đối với ngành, lĩnh vực khác tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, VCCI đề xuất nhanh chóng thực hiện biện pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp được quy định tại Nghị định 02. Đặc biệt, VCCI đề nghị mở rộng diện được nhận hỗ trợ gồm cả các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại bởi bão lũ và cân nhắc nâng mức hỗ trợ cho phù hợp.

Ngoài ra, VCCI đề nghị cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu từ mức 10% xuống mức 8% từ tháng 9 đến tháng 12.2024 đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là các địa phương vùng núi phía bắc.

Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng điện từ mức 8% xuống 6% đối với các khách hàng sử dụng điện; cân nhắc tiếp tục gia hạn thời điểm nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp sang năm 2025; cân nhắc việc giãn thời điểm nộp các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội từ 4 đến 6 tháng cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ.

Về phía ngân hàng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết đến ngày 17.9 vừa qua, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh/thành phố, khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính 94.000 tỉ đồng. Thống kê sơ bộ của 4 ngân hàng thương mại (BIDV, VCB, Agribank và Vietinbank), có 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng với số dư nợ ước tính 191.457 tỉ đồng. Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng do bão sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và ngân hàng nhà nước chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, qua thống kê sơ bộ đến ngày 16.9, Agribank có hơn 12.600 khách hàng vay bị thiệt hại do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng gần 25.000 tỉ đồng, dư nợ thiệt hại dự kiến hơn 8.000 tỉ đồng.

Căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6.9 đến hết 31.12.2024. Dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 40.000 tỉ đồng; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6.9 đến 31.12.2024, dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng...

Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) cho biết từ ngày 9.9 VCB hỗ trợ giảm 0,5% mức lãi suất vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão. Theo dự đoán, VCB sẽ tiến hành giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng.

Theo đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng có kế hoạch giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh từ ngày 6.9. Mức hỗ trợ lãi suất cho vay mới dự kiến 1%; đối với khoản vay hiện hữu xem xét giảm lãi suất ở mức 0,5%; ban hành gói tín dụng 200.000 tỉ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau bão, kể cả cho vay ngắn - trung - dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.

Tương tự, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết cũng tiến hành các chương trình ưu đãi lãi suất, hỗ trợ tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ và hỗ trợ lãi suất vay đối với khách hàng mới theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả bão, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài liên quan
Doanh nghiệp xuất khẩu đón đơn hàng sôi động cuối năm
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tăng xuất khẩu để bù lại lượng đơn hàng sụt giảm trong năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Chỉ bàn làm, không bàn lùi!
Thủ tướng nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có ý nghĩa quan trọng. Do đó, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Phao cứu sinh' cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3