Trong tâm trí của nhiều người trên khắp thế giới, người Pháp có thể sẽ mãi được nhớ đến với hình ảnh đội mũ beret và cầm trên tay một ổ bánh mì baguette.
Điều này có thể giải thích tại sao đất nước này đã đệ trình loại bánh mì nổi tiếng nhất của mình làm ứng cử viên cho danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào ngày 26.3.
Bộ Văn hóa Pháp cho biết họ đã quyết định chọn bánh mì baguette để được công nhận làm di sản văn hóa phi vật thể UNESCO, vượt qua 2 lựa chọn khác là các mái nhà kẽm của Paris cùng với Biou d'Arbois, một lễ hội rượu vang ở vùng Jura. Quyết định này nhằm mục đích gìn giữ món ăn truyền thống và phổ biến này của Pháp.
Theo Bộ Văn hóa Pháp, đã từng có 55.000 cửa hàng bánh mì độc lập trên khắp nước Pháp vào năm 1970 nhưng ngày nay chỉ còn lại khoảng 35.000 cửa hàng.
"Các biện pháp bảo tồn sẽ được đề ra, bao gồm cả việc thực hiện các hành động nâng cao nhận thức của công chúng để ngăn sự suy giảm bằng cách làm nổi bật lĩnh vực làm bánh thủ công này", theo thông báo của Bộ Văn hóa Pháp.
Bánh mì baguette là một ổ bánh mì dài chỉ được làm từ bốn nguyên liệu: bột mì, nước, muối và men. Bánh phải có lớp vỏ giòn và lớp bánh tổ ong mềm khi được làm theo đúng quy tắc.
Nguồn gốc của bánh mì baguette có khởi điểm từ thế kỷ 17 nhưng mức độ tiêu thụ của nó chỉ thực sự bùng nổ vào thế kỷ 20. Hiện nay, khoảng 320 bánh mì baguette được ăn mỗi giây ở Pháp, tương đương với mức tiêu thụ hàng năm vào khoảng 10 tỉ ổ, theo trang dữ liệu Planetoscope.
Hiệp hội quốc gia các tiệm bánh Pháp hoan nghênh nhiệt liệt thông báo này. “Sau bốn năm làm việc, thật tự hào khi được thông báo rằng bánh mì baguette đã được lựa chọn”, Dominique Anract, chủ tịch của Hiệp hội, cho biết.
"Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức trên khắp quốc gia và có thể khuyến khích những người trẻ chọn nghề làm bánh, vì có rất nhiều vị trí cần được lấp đầy trong các tiệm bánh", ông lưu ý.
Tuy nhiên, người dân Pháp sẽ phải chờ đợi đến cuối năm 2022 để nghe được quyết định cuối cùng từ UNESCO.