Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy chỉ bị phạt 80 triệu là chưa đủ sức răn đe với công trình hàng nghìn tỉ đồng.

Phạt 80 triệu với chung cư chưa nghiệm thu PCCC là thiếu răn đe

Trí Lâm | 07/04/2018, 06:23

Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy chỉ bị phạt 80 triệu là chưa đủ sức răn đe với công trình hàng nghìn tỉ đồng.

Thông tin này được nêu tại tọa đàm trực tuyến “Phòng chống cháy nổ chung cư” diễn ra tại tòa soạn báo Tiền Phong ngày 6.4.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Hà Nội đã công bố 79 công trình chung cư vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

“Hiện tại, 50 công trình đã khắc phục xong, đưa vào nghiệm thu và sử dụng. 29 công trình còn nhiều thiếu sót chưa được nghiệm thu về phòng cháy thì người dân đã ở”, ông Vụ phát biểu.

Cũng theo Đại tá Vụ, trong số 29 công trình tồn tại, có 14 công trình có khả năng khắc phục, 15 công trình khó có khả năng khắc phục.

Tối hậu thư cho các chung cư chưa đảm bảo an toàn

“Trong thời gian vừa qua thành ủy HĐND, UBND thành phố cũng có rất nhiều văn bản, kế hoạch, thông báo kết luận để chỉ đạo các sở ngành, UBND, các quận huyện, Cảnh sát PCCC, chủ đầu tư, ban quản trị phải phối hợp, hướng dẫn, điều tra, đôn đốc và tổ chức khắc phục”, ông Vụ khẳng định.

Theo Đại tá Vụ, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố đã kết luận, đến ngày 30.4.2018, 14 công trình có khả năng khắc phục phải tổ chức khắc phục và nghiệm thu đưa vào sử dụng.

“Nếu đến ngày 30.4 không khắc phục xong thì cơ quan Cảnh sát PCCC sẽ hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Vụ nói.

Ông Vụ cho biết, với 15 công trình khó có khả năng khắc phục, UBND thành phố đã có văn bản báo cáo Bộ Công an và Bộ Xây dựng để xin phép áp dụng các giải pháp bổ sung, thay thế cho các tồn tại thiếu sót.

“Các cơ quan chức năng Hà Nội vừa qua đã có những chỉ đạo sát sao tới từng địa phương, từng ban quản trị chung cư. Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng đã có báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng để cho phép bổ sung, thay thế, khắc phục các tồn tại nhưng vẫn phải đảm bảo quy chuẩn PCCC”, vị đại tá nói thêm.

Với 14 công trình khó khắc phục, ông Vụ cho biết UBND thành phố đã có chỉ đạo trình hồ sơ vàluận chứng lên Bộ Xây dựng, Bộ Công an thẩm định, thẩm duyệt để bổ sung thay thế.

“UBND thành phố cho phép từ nay đến ngày 30.6, sau khi được thẩm định và duyệt phải tổ chức khắc phục ngay. Từngày 30.6 - 1.7 nếu không thực hiện xong, cố ý chây ì sẽ hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra”, ông Vụ quả quyết.

Về 29 công trình chưa được nghiệm thu PCCC hiện đã có đủ giải pháp khắc phục. “Có điều phụ thuộc vào chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện. Nếu chủ đầu tư quyết tâm cùng chỉ đạo quyết liệt của thành phố, cũng như các sở, nghành, UBND các quận huyện nơi có các công trình này thìcác đơn vị này sẽ khắc phục được”, ông Vụ nói.

Về 15 công trình khó có khả năng khắc phục, các lỗi chủ đạo của các công trình này tập trung ở ngăn cháy và buồng thang kín.

Theo đánh giá của ông Vụ, có nhiều công trình có khả năng khắc phục nhưng không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. “Bởi người dân đang ở rồi, bây giờ phải đóng thang kín, tăng áp buồng thang thì sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của họ”, ông Vụ lý giải.

Đồng thời, ông Vụ cũng đề cập tới bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ở các chung cư cao tầng. “Theo quy định kiểm tra chung cư trọng điểm thì một năm chỉ 4 lần, nếu kiểm tra tiếp thì phải kiểm tra đột xuất hoặc chung cư mới xuống kiểm tra, hướng dẫn. Trong thời gian 1 tháng, 15 ngày có thể kiến nghị để mua bảo hiểm bắt buộc”, ông Vụ thông tin thêm.

Theo vị này, chỉ đạo của thành phố là những công trình vi phạm phải kiểm tra 15 ngày một lần. Đối với những công trình của doanh nghiệp vị phạm nghiêm trọng thì 7 ngày kiểm tra một lần để tạo sức ép cho các chủ đầu tư, đề xuất nâng chế tài xử lý, nâng mức xử phạt đủ sức răn đe chủ đầu tư chây ì trong nghiệm thu PCCC.

Cơ quan kiểm tra xong bỏ đấy thì không tác dụng gì

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Khổng Minh Thảo, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, từ khi Hà Nội mở rộng, quận Thanh Xuân từ quận ven đô thành vùng lõi, tốc độ phát triển rất cao, kèm theo đó là nguy cơ cháy nổ rất cao.

“Có 2 phạm trù cần đề cập, đó là quản lý nhà nước và văn hóa chung cư. Văn hóa chung cư mà không nâng cao được thì rất có nguy cơ. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC, Hà Nội còn 29 công trình chưa khắc phục thì quận Thanh xuân còn 3 công trình chưa được nghiệm thu”, ông Thảo nói.

Theo vị này, chế tài xử lý cần hướng dẫn thêm. Cơ quan chức năng đi kiểm tra nếu không đủ điều kiện thì có quyền tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ chung cư này không? Nếu kiểm tra bỏ đấy thì không giải quyết gì.

“Cần tăng cường quản lý nhà nước nhưng thẩm quyền trao còn thiếu, chế tài thiếu. Nếu kiểm tra chỉ bảo nhau là thông báo cho toàn bộ cư dân tòa nhà biết tòa nhà mất an toàn PCCC. Như vậy có vi phạm luật hay không? Quận Thanh Xuân vướng, các ngành kiểm tra cũng vướng”, ông Thảo nêu.

Vị này cũng chia sẻ, nhiều cuộc tập huấn PCCC, chủ nhà chỉ đưa người giúp việc xuống tập huấn thì không giải quyết được vấn đề gì. Do đó cần có chế tài cụ thể. Cụ thể như không xét danh hiệu gia đình văn hóa, chỉ khi được cấp chứng chỉ PCCC thì mới được về ở nhà chung cư.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho biết, chung cư bán ra với lợi nhuận cao nhất trong khi luật chung cư chưa có, cách sống của người dân ở chung cư không có. Chính vì vậy, nhà đầu tư cũng không quan tâm đến các biện pháp để đảm bảo an toàn cho cư dân.

Ông Võ nhận định, vướng mắc lớn nhất hiện nay, chủ đầu tư bán nhà khi chưa có nhà, tức là sau đó quyết định như thế nào là do chủ đầu tư chứ không có một tín hiệu bao giờ hoàn thành, bao giờ nghiệm thu. Còn người dân khi đã nộp tiền cho chủ đầu tư thì chỉ sợ chủ đầu tư bán cho người khác.

“Hầu hết mua bán nhà chung cư là mua bán nhà trên giấy hết, chúng ta cho mở bán từ khi đặt móng. Đó là cái khó khiến chủ đầu tư làm chủ hết. Ngày mở bán chủ đầu tư tự quyết định. Chúng ta phải tìm giải pháp nào đó để nâng cao ý thức của người dân lên chứ không mãi vẫn lùng bùng như thế này”, ông Võ nói.

Cũng theo ông Võ, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề, nhiều chung cư triển khai sai quy hoạch. Có trường hợp được đồng ý cho thay đổi quy hoạch nhưng có trường hợp chủ đầu tư tự ý điều chỉnh, không ai kiểm tra, không ai phát hiện.

“Danh sách những chung cư đó ai cũng biết mà đến bây giờ vẫn chưa xử lý gì. Tôi cho rằng kiểm tra những chỗ đó về công tác phòng cháy chữa cháy sẽ thế nào nữa vì mật độ dân cư gấp đôi, gấp 3 lần”, ông Võ nói.

Ông Võ cho rằng đây là câu chuyện liên quan đến văn hóa quản lý. Tức là bản quy hoạch đầu tiên rất đẹp, rất chuẩn nhưng qua thời gian được điều chỉnh mỗi lúc một tí, chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý chứ không mấy khi thấy thay đổi vì mục đích thay đổi phát triển kinh tế xã hội.

“Có những cái được chấp nhận có những cái không được chấp nhận nhưng chủ đầu tư vẫn thay đổi. Tôi cho rằng cái đó chúng ta phải siết chặt lại. Đã đến lúc cần bàn nhau nâng cấp về cơ chế quản lý quy hoạch theo một quy trình chặt chẽ”, ông Võ nhấn mạnh.

Nói về quy hoạch trong công tác PCCC, ông Trần Hoàng Linh, Trưởng Phòng Quy hoạch 1 - Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đến khoảng cách công trình, các quy chuẩn khoảng kể cả việc bố trí sao cho xe chữa cháy đi lại đúng tiêu chuẩn đều đã được quy định”.

Đối với công trình cụ thể, ông Trần Hoàng Linh cũng lưu ý về số lượng lối thoát hiểm, bán kính đến thang thoát hiểm, cách bố trí các thang N1 (thang tiếp cận từ bên ngoài - PV) tối thiểu 50%.

Trịnh Giang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạt 80 triệu với chung cư chưa nghiệm thu PCCC là thiếu răn đe