Đối tượng chính của giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 là các sản phẩm ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ số cốt lõi của cuộc CMCN 4.0. Đó phải là các sản phẩm gia đời với tinh thần “Make in Vietnam”.

Phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020

19/08/2020, 20:07

Đối tượng chính của giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 là các sản phẩm ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ số cốt lõi của cuộc CMCN 4.0. Đó phải là các sản phẩm gia đời với tinh thần “Make in Vietnam”.

Bộ TT-TT sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nhiều hoạt động - Ảnh: BTC

Áp dụng công nghệ số từ khâu nộp hồ sơ

Chiều 19.8 tại Hà Nội, Bộ TT-TT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020. Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một giải thưởng mang tầm quốc gia về sản phẩm công nghệ số với quy mô lớn trên toàn quốc, quy tụ mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giới ICT nước nhà. Đây cũng là giải thưởng cao nhất trong Ngành được Bộ TT-TT và VCCI tổ chức.

Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 nhằm thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, giải các bài toán Việt Nam, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, có giá trị thực tế, góp phần phát triển chính phủ số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, điểm khác biệt đầu tiên xuất phát từ chính cái tên của giải thưởng, tên gọi của giải thưởng đã truyền tải một cách trực diện tư tưởng chính của giải thưởng này. Đối tượng chính của giải thưởng này là các sản phẩm ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ số cốt lõi của cuộc CMCN 4.0. Đó phải là các sản phẩm gia đời với tinh thần “Make in Vietnam”.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng nêu rõ đây là giải thưởng được triển khai trong một chiến lược quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Do vậy, đây là giải thưởng mang tầm quốc gia do Bộ TT&TT - cơ quan đứng đầu về lĩnh vực công nghệ số đồng chủ trì. Đặc biệt, vì là giải thưởng công nghệ số, BTC muốn áp dụng công nghệ số từ việc nộp hồ sơ, cách thức chấm giải.

Được biết, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, đã được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam. Thời gian nộp hồ sơ tham gia giải thưởng từ ngày 20.8 –20.10.2020 thông qua hình thức online tại địa chỉ makeinvietnam.mic.gov.vn

Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng gồm các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học, đại diện các quỹ đầu tư và các nhà báo ICT có uy tín, có nhiều kinh nghiệm do TS Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông làm Chủ tịch Hội đồng. Các sản phẩm tham dự Giải thưởng sẽ được đánh giá công khai, minh bạch theo 2 tiêu chí chung, gồm Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và Giải các bài toán Việt Nam.

Khó trở thành quốc gia phát triển nếu không có “Make in Vietnam”

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Năm nay có một điểm đặc biệt là vừa phòng, chống COVID-19 vừa phát triển kinh tế nên các sản phẩm công nghệ số phục vụ phòng, chống COVID-19 hiệu quả, các nền tảng số hỗ trợ học tập, làm việc, sinh hoạt trên môi trường số sẽ được quan tâm xem xét”.

Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng cho rằng nếu không có “Make in Vietnam”, Việt Nam khó trở thành quốc gia phát triển, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Thuận lợi của Make in Viet Nam là các doanh nghiệp của Việt Nam đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, từ thiết kế thuê modul đến các sản phẩm trọn vẹn. Điều cần nhất của chiến lược Make in Vietnam là có vấn đề cần giải quyết. Vấn đề có thể do Chính phủ, do doanh nghiệp, do xã hội đặt ra. Thị trường với quy mô 100 triệu dân của Việt Nam chính là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ số cần chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế, cần tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này.

Với Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020, Bộ TT-TT sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong các hoạt động như quảng bá, hỗ trợ kết nối thị trường, xây dựng khung pháp lý thuận lợi, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước để các sản phẩm công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn.

Được biết, 5 hạng mục của Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2020, bao gồm Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc, Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (Thành thị - Nông thôn, Người yếu thế, Hạn chế mặt trái của công nghệ số) và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

Ngoài Cúp và Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải sẽ được quảng bá, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và thành tích của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, được giới thiệu với các Quỹ đầu tư… Đặc biệt, được quyền khai thác thương mại bộ nhận diện thương hiệu Make in Vietnam đi cùng sản phẩm, giải pháp công nghệ số; được công nhận danh hiệu trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị; được Bộ TT-TT tư vấn hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm…

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020