Các tác giả nghiên cứu cho biết họ nghĩ rằng sông băng tồn tại trong thời kỳ địa chất Amazon trên sao Hỏa, bắt đầu từ 2,9 tỉ năm trước và vẫn đang tiếp diễn.

Phát hiện dấu vết sông băng trên sao Hỏa gây sửng sốt giới khám phá vũ trụ

Anh Tú (dịch) | 19/03/2023, 21:00

Các tác giả nghiên cứu cho biết họ nghĩ rằng sông băng tồn tại trong thời kỳ địa chất Amazon trên sao Hỏa, bắt đầu từ 2,9 tỉ năm trước và vẫn đang tiếp diễn.

Phần còn lại của một sông băng đã được tìm thấy gần đường xích đạo của sao Hỏa. Nó cho thấy một số dạng nước vẫn có thể tồn tại ở một khu vực trên hành tinh mà một ngày nào đó con người có thể đặt chân.

Khối băng không còn ở đó nữa, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra những dấu tích đáng chú ý trong số các khu vực thăm do khác gần xích đạo của sao Hỏa. Các trầm tích ở đó thường chứa muối sunfat sáng màu.

Khi các nhà khoa học xem xét kỹ hơn, họ đã nhận ra các đặc điểm của sông băng, như các đường vân gọi là băng tích - các mảnh vụn được lắng đọng hoặc đùn lên bởi một dòng sông băng đang di chuyển. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra các khe nứt sâu hình nêm hình thành bên trong các sông băng. Những phát hiện này đã được chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng lần thứ 54 ở The Woodlands, Texas, Mỹ.

Tiến sĩ Pascal Lee, nhà khoa học hành tinh cấp cao của Viện SETI và Viện Sao Hỏa, cho biết: “Những gì chúng tôi tìm thấy không phải là băng, mà là một mỏ muối với các đặc điểm hình thái chi tiết của sông băng.Chúng tôi nghĩ muối được hình thành trên đỉnh một sông băng trong khi vẫn giữ nguyên hình dạng của lớp băng bên dưới, với những chi tiết như ở các vùng có kẽ nứt và các dải băng tích”.

songbang.jpg
Các nhà khoa học tin rằng sao Hỏa từng có nước trên bề mặt

Các nhà nghiên cứu tin rằng sông băng dài 6 km và rộng khoảng 4 km, với độ sâu từ 1,3 đến 1,7 km.

Hoạt động núi lửa tạo lớp bảo vệ

Các nhà khoa học có ý tưởng về việc dấu vết của sông băng hình thành như thế nào, dựa trên bằng chứng về vật liệu núi lửa trong khu vực. Khi hỗn hợp tro núi lửa, dung nham và đá bọt phản ứng với nước, một lớp muối cứng, giòn có thể hình thành.

Đồng tác giả nghiên cứu Sourabh Shubham, nghiên cứu sinh tiến sĩ địa chất tại Đại học Maryland, College Park cho biết: “Khu vực này của sao Hỏa có lịch sử hoạt động núi lửa. Và khi một số vật liệu núi lửa tiếp xúc với sông băng, các phản ứng hóa học sẽ diễn ra ở giáp ranh giữa hai chất này để tạo thành một lớp muối sunfat cứng lại. Đây là lời giải thích khả dĩ nhất cho các sunfat ngậm nước và hydroxyl hóa mà chúng tôi quan sát thấy trong trầm tích có tông màu sáng này”.

Bề mặt băng có tuổi địa chất trẻ ở gần xích đạo

Đồng tác giả nghiên cứu John Schutt, nhà địa chất học tại Viện Sao Hỏa và là chuyên gia về băng ở Bắc Cực và Nam Cực, cho biết vật liệu núi lửa có khả năng bị bào mòn theo thời gian, để lộ ra lớp muối có dấu vết của sông băng và các đặc điểm khác biệt của nó.

Sao Hỏa có bầu khí quyển mỏng, khiến cho thiên thạch va chạm thường xuyên với bề mặt hành tinh. Nhưng các chi tiết diễm lệ đặc trưng của sông băng hầu như không bị xáo trộn trong lớp trầm tích muối, điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng nó tương đối “trẻ”.

Các tác giả nghiên cứu cho biết họ nghĩ rằng sông băng tồn tại trong thời kỳ địa chất Amazon trên sao Hỏa, bắt đầu từ 2,9 tỉ năm trước và vẫn đang tiếp diễn.

Pascal Lee phân tích: “Chúng ta đã biết về hoạt động băng hà trên sao Hỏa ở nhiều địa điểm, kể cả gần xích đạo trong quá khứ xa xôi hơn. Và chúng ta đã biết về hoạt động băng hà gần đây trên sao Hỏa, nhưng cho đến giờ chỉ ghi nhận điều đó ở những vùng có vĩ độ cao. Một dòng sông băng tương đối trẻ còn sót lại ở vị trí này cho chúng ta biết rằng sao Hỏa đã trải qua lớp băng trên bề mặt trong thời gian gần đây, thậm chí ở gần đường xích đạo, đây là điều mới mẻ”.

Các nhà nghiên cứu không biết liệu có băng nào còn sót lại bên dưới lớp trầm tích hay không. Tàu Curiosity của NASA đã sử dụng Mastcam để chụp bức tranh toàn cảnh 360 độ về "Thung lũng Marker Band" vào ngày 16.12.2022, ngày thứ 3684 của sứ mệnh sao Hỏa. Kết cấu đá gợn sóng được tìm thấy ở khu vực này là bằng chứng rõ ràng nhất mà chúng ta phát hiện được về nước và sóng từ quá khứ xa xưa của sao Hỏa.

Lee cho biết: “Hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta không phát hiện bất kỳ băng nước nào trên bề mặt gần xích đạo sao Hỏa. Có thể bây giờ tất cả băng nước của sông băng đã thăng hoa (bay hơi từ thể rắn sang thể khí). Nhưng cũng có khả năng một số trong số đó vẫn có thể được bảo vệ ở ngay dưới lớp muối sunfat”.

Tiềm năng cho các túi băng gần bề mặt

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đã xem xét các hòn đảo băng cổ xưa được gọi là salar ở bãi muối Altiplano thuộc Bolivia – quốc gia nằm trên dãy Andes dọc sườn tây Nam Mỹ. Những lớp phủ muối đã bảo vệ lớp băng cổ của sông băng khỏi bị tan chảy hoặc bốc hơi, khiến các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một kịch bản tương tự có thể đã xảy ra trên sao Hỏa.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu muốn xác định xem có túi băng nào còn sót lại từ sông băng hay không và nếu có thì có bao nhiêu băng ở ngay phía bên dưới lớp muối. Nếu lớp muối đặc biệt này đang bảo vệ băng, thì có thể có các túi băng khác tồn tại gần đó.

Các vệ tinh quan sát quay quanh hành tinh này đã cho thấy các lớp băng lắng đọng ở các cực lạnh giá của sao Hỏa, nhưng nếu nước ở bất kỳ dạng nào tồn tại ở các vĩ độ gần phía xích đạo ấm hơn, thì nó có thể có ý nghĩa đối với sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử và khả năng có thể sinh tồn ở hành tinh đỏ và hoạt động khám phá trong tương lai của con người .

Lee cho biết: “Mong muốn đưa con người đến một địa điểm mà họ có thể lấy nước đá từ lòng đất đã thúc đẩy các nhà hoạch định sứ mệnh xem xét các địa điểm có vĩ độ cao hơn. Nhưng môi trường nơi này thường lạnh hơn và nhiều thách thức hơn đối với con người và rô-bốt. Nếu có những vị trí xích đạo nơi băng có thể được tìm thấy ở gần bề mặt, thì chúng ta sẽ có cả hai điều kiện môi trường dễ chịu hơn để khám phá sao Hỏa: điều kiện ấm hơn để con người hoạt động và vẫn có thể tiếp cận với băng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện dấu vết sông băng trên sao Hỏa gây sửng sốt giới khám phá vũ trụ