Các nhà khoa học từ Đại học Illinois Urbana-Champaign đã phát hiện một loài bọ sát thủ mới sống cách đây 50 triệu năm từ hóa thạch được tìm thấy tại Colorado.

Phát hiện loài bọ sát thủ mới từ hóa thạch 50 triệu năm tuổi

Long Hải | 20/01/2021, 17:15

Các nhà khoa học từ Đại học Illinois Urbana-Champaign đã phát hiện một loài bọ sát thủ mới sống cách đây 50 triệu năm từ hóa thạch được tìm thấy tại Colorado.

hoa-thach1.jpg
Hóa thạch bọ sát thủ bị tách đôi gần như hoàn hảo từ đầu đến bụng

Mẫu hóa thạch loài bọ mới được tìm thấy ở thành hệ địa chất Green River, Colorado vào năm 2006. Khi được phát hiện bằng cách phá vỡ một phiến đá, hóa thạch bọ sát thủ bị tách đôi gần như hoàn hảo từ đầu đến bụng. Một nhà buôn hóa thạch đã bán chúng cho những người sưu tầm khác nhau. Các nhà khoa học đã tìm kiếm hai nửa hóa thạch và ghép chúng lại để thực hiện nghiên cứu này.

Điều đáng chú ý là các đặc điểm ngoại hình của loài bọ này - từ các đốt màu đậm trên chân đến đặc điểm bên trong cơ quan sinh dục - đều có thể nhìn thấy rõ ràng và được bảo quản tốt. Sam Heads, nhà cổ sinh vật học tại Cơ quan Khảo sát Lịch sử Tự nhiên Illinois (INHS) cho biết việc này giúp ích rất nhiều khi xác định vị trí của côn trùng trong cây phả hệ hay xác định loài.

Theo Daniel Swanson, nghiên cứu sinh ngành côn trùng học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, các loài thường được xác định bởi khả năng giao phối thành công với nhau. Những khác biệt nhỏ về cơ quan sinh dục có thể dẫn đến sự không tương đồng về giới tính và theo thời gian sẽ dẫn đến sự gia tăng các loài mới. Chính điều này làm cho cơ quan sinh dục trở thành nơi tốt nhất để xác định loài côn trùng. Tuy nhiên, cơ quan sinh dục của động vật thường bị che khuất trong những hóa thạch nén như loại tìm thấy ở Green River.

“Việc quan sát được những cấu trúc nguyên vẹn trong cơ quan sinh dục là điều rất hiếm gặp. Thông thường, chúng tôi chỉ có thể quan sát chi tiết như vậy với các loài đang tồn tại ngày nay”, Swanson cho biết.

hoa-thach2.jpg
Các nhà nghiên cứu gọi loài bọ sát thủ mới được phát hiện là Aphelicophontes danjuddi

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng nhóm bọ sát thủ này xuất hiện sớm hơn 25 triệu năm so với những gì giới khoa học từng nghĩ. Tuy nhiên, đây không phải là hóa thạch lâu đời nhất của một loài bọ với cơ quan sinh dục còn nguyên vẹn từng được phát hiện.

“Cơ quan sinh dục của động vật chân đốt lâu đời nhất được biết đến là từ hóa thạch của loài bọ sống cách đây 400-412 triệu năm, được phát hiện ở Rhynie Chert, Scotland. Ngoài ra, giới khoa học cũng phát hiện nhiều hóa thạch côn trùng với cơ quan sinh dục được bảo tồn nguyên vẹn trong hổ phách cổ từ kỷ Phấn trắng”, Sam Heads nói.

Các nhà nghiên cứu gọi loài bọ sát thủ mới được phát hiện là Aphelicophontes danjuddi theo tên Dan Judd, nhà sưu tầm hóa thạch đã tặng nửa mẫu vật cho INHS để nghiên cứu. Họ cho rằng loài này thuộc nhóm bọ sát thủ vằn.

“Trên thế giới có khoảng 7.000 loài bọ sát thủ đã được mô tả khoa học nhưng mới chỉ phát hiện khoảng 50 hóa thạch của chúng. Điều đó cho thấy hóa thạch bọ sát thủ rất hiếm, chưa nói đến hóa thạch có niên đại cổ xưa như ở Green River. Mẫu hóa thạch này có thể cung cấp rất nhiều thông tin quý giá”, Swanson cho biết.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Papers in Palaeontology hôm 19.1.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện loài bọ sát thủ mới từ hóa thạch 50 triệu năm tuổi