Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện được một loại tế bào phổi có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi ADN và sống sót bất chấp bị vi rút cúm A tấn công, nhưng cũng duy trì tình trạng viêm cả khi không còn nhiễm trùng khiến người bệnh có thể chết vì viêm.
Phát hiện này giúp y học hiểu rõ hơn về cuộc chiến giữa các tế bào và vi rút cũng như về các bệnh hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn.
Theo Medical Express, các nhà khoa học ở Đại học Duke(Mỹ),những tế bào này nằm ở những phần hẹp nhất của đường hô hấp - phía trên phế nang.
Phát hiện này làm sáng tỏ cuộc chiến giữa các tế bào và vi rút ở cấp độ vi mô, đồng thời cũng cung cấp kiến thức về các bệnh hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn.
Nhà nghiên cứu Nicholas Heaton cho biết chức năng bình thường của các tế bào là tạo ra chất hoạt động bề mặt và tiết ra nhiều loại protein khác bao phủ màng phổi. Tuy nhiên, cho đến nay, chức năng của chúng trong quá trình nhiễm vi rút vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Nay, các nhà khoa học đã biết chức năng chúng thay đối nếu bị nhiễm vi rút. Khi bị vi rút tấn công, các tế bào này bắt đầu sản sinh ra các protein đặc biệt và báo hiệu cho hệ miễn dịch rằng cần tăng cường sản sinh cytokine (các phân tử gây viêm) với nồng độ cao.
Kết quả là môi trường trong phổi vẫn sẵn sàng tấn công vi rút ngay cả khi cơ thể không còn nhiễm trùng. Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng khi xâm nhập vào cơ thể, vi rút sử dụng các dạng oxy phản ứng để hủy hoại ADN của tế bào. Tổn thương thường tích lũy lại và các gien chống vi rút ngừng hoạt động khiến các tế bào tự chết.
Tuy nhiên, loại tế bào mới được phát hiện ở phổi lại giúp phục hồi ADN của tế bào bằng cách tiếp tục hoạt động nhưng đồng thời cũng duy trì tình trạng viêm cả khi không còn nhiễm trùng. Chính vì thế, nếu quá trình này vượt khỏi tầm kiểm soát thì người bệnh có thể chết vì viêm chứ không phải do nhiễm vi rút.
Vũ Trung Hương