Xóa bỏ từ những cảnh "hàng ngàn cái đít chổng ra khơi" để có một hòn đảo du lịch Cù Lao Chàm sạch sẽ và hấp dẫn như hiện nay nhưng ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP.Hội An (Quảng Nam) vẫn giữ được nguyên lý đơn giản mà rất khó là để dân được làm chủ mảnh đất của họ.

Phát triển Cù Lao Chàm: Đừng để người dân làm thuê trên chính mảnh đất của mình

Lê Đình Dũng | 28/05/2016, 15:10

Xóa bỏ từ những cảnh "hàng ngàn cái đít chổng ra khơi" để có một hòn đảo du lịch Cù Lao Chàm sạch sẽ và hấp dẫn như hiện nay nhưng ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP.Hội An (Quảng Nam) vẫn giữ được nguyên lý đơn giản mà rất khó là để dân được làm chủ mảnh đất của họ.

Ngày 26.5.2016, TP.Hội An tổ chức lễ kỷ niệm 7 năm Cù Lao Chàm - Hội An được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có diện tích 45.279 ha, gắn liền với cuộc sống và văn hóa của hơn 90 ngàn người.

Ông Nguyễn Sự, từng giữ chức Chủ tịch UBND thị xã Hội An rồiBí thư Thành ủy Hội An, được biết đến là người có nhiều quyết sách đưa TP.Hội An nói chung và đảo Cù Lao Chàm nói riêng thành điểm du lịch hấp dẫn và lý tưởng đối với du khách nước ngoài khi đến miền Trung. Dù ôngđã "treo ấn từ quan" nhưngngười Hội An vẫn nhớ đến và cảm ơn với những đóng góp của ông đối với sự phát triển ở địa phương này.

Trong ngày kỷ niệm, ông Nguyễn Sự đã có những tâm sự với chúng tôi về sự phát triển của Cù Lao Chàm từ thuở nghèo đói đến ngày hôm nay.

Cù Lao Chàm đã thực hiện thành công việc nói không với sử dụng túi nilon - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông kể: “Trước ngày đất nước thống nhất thì dân số ở Cù Lao Chàm gần 10 ngàn người do chiến tranh, dân ở các nơi Duy Xuyên, Hội An di dời ra ở đó tránh bom đạn. Sau ngày thống nhất thì người ta về quê, dân số trên đảo ổn định đến bây giờ khoảng 2.900 người, chủ yếu tập trung ở bãi Hương, bãi Làng, bãi Ông”.

“Trước 1996, người Cù Lao Chàm chủ yếu đánh bắt hải sản, người đàn ông sáng đi tối về, người phụ nữ ở nhà chờ cá về bán và ngồi chơi. Biển động khoảng 1 tuần là dân đói. Có đợt trời động khoảng nửa tháng, tôi đích thân chở 20 tấn gạo vượt biển chở ra suýt chết bao nhiêu lần”.

“Lúc đó dân Cù Lao Chàm không biết đi xe đạp, cả Cù Lao Chàm này khu vệ sinh dành cho gia đình chỉ có 4 cái thôi, tất cả lên núi xuống biển. Nên tôi nói trước năm 97 muốn tìm lại cội nguồn dân tộc là ra Cù Lao Chàm, khoảng 4 giờsáng thì 50% lên núi, 50% xuống biển (đi vệ sinh). Trước tôi có đi với nhà báo Trần Đăng, ảnh còn làm câu: "Buổi sáng quê tôi đẹp tuyệt vời / Hàng ngàn cái đít chổng ra khơi’”.

“Trước đây con đường mà chúng ta đi là ở dưới bãi cát, cạnh nhà dân. Năm 1997, khi tôi làm Chủ tịch Hội An thì quyết định làm con đường đó. Và khu bãi Ông, chỗ gần âu thuyền trước không có dân mà chỉ là đồi núi thôi, sau tôi quyết định dời 200 hộ từ bãi Làng lên bãi Ông và mở đường.Lúc đó không mấy ai ra Cù Lao Chàm du lịch, chỉ có mấy ông người Việt. Dân lúc đó thì lên rừng đốn củi, có cả phá rừng để bán. Xuống biển thì nổ mìn đánh cá, phá san hô bán để người ta làm vôi. Có nghĩa là vừa tận diệt rừng vừa tận diệt biển vì cuộc mưu sinh của họ”, ông hình dung lại thời Cù Lao Chàm khốn khó.

“Lúc đó đặt ra vấn đề cho người dân Cù Lao Chàm là lưng phải tựa vào núi, mặt phải hướng ra biển để giải quyết bài toán phát triển. Tựa vào núi để giữ rừng, giữ nguồn nước, hướng ra biển để khai thác chính vùng biển chứ không chỉ khai thác nghề cá. Ròng rã mấy chục năm thì Cù Lao Chàm như ngày hôm nay”.

Không cho dân làm thuê trên mảnh đất của mình

Cù Lao Chàm là xã đảo trực thuộc TP.Hội An; và với vị trí lãnh đạo của mình, ông Sự đã có công biến hòn đảo này thành điểm du lịch hấp dẫn như hiện nay.

Ông nhớ lại: “Năm 1998, tôi giao cho anh em chọn bãi hòn Chồng để làm du lịch. Khi thành lập Khu bảo tồn biển thì bắt đầu quy hoạch ra vùng lõi, vùng đệm để bảo tồn; nhưng thực ra lúc đó chỉ bảo vệ thôi. Điều quan trọng là bảo tồn làm sao mà bản thân người dân ở đó sống được và giàu lên. Và Cù Lao Chàm đến bây giờ đang giải quyết được điều đó. Người dân nhờ rừng và biển này mà giàu lên. Thực sự những năm vừa qua Cù Lao Chàm đã thành công”.

Hiện nay khách du lịch ra Cù Lao Chàm rất đông.

Theo thống kê, so với lúc trước chỉ có 3-4 khách nước ngoài ra Cù Lao Chàm thì năm 2015, có gần 400 ngàn lượt khách đến hòn đảo này, nghĩa là bình quân 1 người dân đón 120 khách/năm.

“Sau ngày được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tôi nghĩ ngay điều quan trọng là phải làm môi trường thật sạch, mà muốn môi trường sạch thì phải bắt đầu từ người dân, từ những điều nhỏ nhất. Tôi phát động một phong trào nói không với túi nilon đối với dân Cù Lao Chàm. Khi đó có nhiều anh hỏi kịp không, tôi nói không kịp cũng phải làm. Họp dân nói làm được không, ba lần dân đều giơ tay làm được. Thành phố lúc đó phát giỏ xách cho dân, nói mai xuống chợ mà thấy ai không mang giỏ là đuổi về. Mình quyết liệt cùng với ý thức của người dân đã thành một nếp sinh hoạt tốt, một nhu cầu thực sự. Dân Cù Lao Chàm không còn dùng túi nilon nữa”, nguyên Bí thư Hội An kể.

Ông tóm gọn: “Khi túi nilon không có nữa, không quấn vào san hô nữa thì rạn san hô nó mọc vào sát bờ, mọc luôn lên thảm bê tông. Có nghĩa là anh xử sự với trời đất một cách đàng hoàng ngay ngắn thì chắc trời đất cũng cho lại anh một cách đàng hoàng ngay ngắn. Còn anh xử sự không ra gì thì anh sẽ nhận hậu quả khốc liệt, tôi xin nói như vậy”.

Giờ ra Cù Lao Chàm du lịch, chúng ta không hề thấy khách sạn, nhà nghỉ mọc rầm rộ như ở… Lý Sơn. Thay vào đó là mô hình homestay cùng ăn cùng sinh hoạt với người dân, thả mình dưới rừng cây và biển xanh ngắt rất thoải mái.

Kể về chuyện này, ông Sự thẳng thắn: “Có người nói tôi Cù Lao Chàm phải xây thêm khách sạn, tôi nói không. Anh xây dựng dự án, không những các bãi biển bị mất, ảnh hưởng môi trường mà chính người dân Cù Lao Chàm phải làm thuê trên mảnh đất của mình. Đừng có để bi kịch xảy ra là chính người dân chúng ta phải làm thuê trên mảnh đất của mình. Đó là điều không nên. Dân phải làm chủ mảnh đất của họ, làm ra tiền trên mảnh đất của họ và yêu mảnh đất của họ”.

“Cù Lao Chàm thuộc Hội An nhưng không biến Cù Lao Chàm trở thành Hội An. Cù Lao Chàm là biển, là núi, là hệ sinh thái, thô mộc, hoang sơ. Và con người ra đây để đắm mình trong tự nhiên đó, đối thoại và thân thiện với tự nhiên. Không thể có những khách sạn to mọc lên để rồi nhà to hơn núi, để rồi xả thải xuống môi trường mà hệ lụy của các dự án bây giờ đã thấy rõ”, ông nhớ lại những suy nghĩ lúc còn làm lãnh đạo cho đến bây giờ.

Người dân Cù Lao Chàm tham gia làm du lịch từ dịch vụ homestay đến việc hướng dẫn du khách, bán các sản vật từ đảo.

Rất dễ nhận thấy ông Nguyễn Sự tâm huyết với Cù Lao Chàm như thế nào. Đã rất nhiều người thắc mắc việc Hội An có quy định khống chế số lượng khoảng 3.000 khách ra Cù Lao Chàm mỗi ngày. Chuyện này, ông Sự giải thích: “Có anh nhà báo nói với tôi, hôm nay ăn đồ biển Cù Lao Chàm dở hơn mọi kỳ. Vì sao dở hơn, vì khách đông quá nên chất lượng phục vụ không đảm bảo được. Nên chúng ta cần phải khống chế nó trong mức độ để bản thân chúng ta còn kiểm soát, chứ nếu khách ra 6-7 ngàn người là vỡ trận ngay. Nó sẽ hủy diệt ngay môi trường Cù Lao Chàm, nên phải giữ con số 3.000 khách. Tương lai, chúng ta phải cần nâng cao dịch vụ, hiện nay người ta ra tiêu mỗi người 1 triệu thì hôm sau người ta phải ra tiêu đến 5 triệu”.

“Vấn đề cơ bản là chúng ta chưa tạo ra dịch vụ như câu mực ban đêm, lặn biển, leo núi... chứ khách giờ ra tắm biển, lặn san hô, ngắm nhìn, ăn cơm, chạy vô. Mảnh đất Cù Lao Chàm 7 hòn đảo, 15km vuông này còn nhiều thứ để khám phá lắm”.

Ông Sự thừa nhận với tôi rằng: “Cù Lao Chàm, tôi say mê với nó”.

Có lẽ vì vậy mà trong lễ kỷ niệm 7 năm Cù Lao Chàm - Hội An được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, ông Nguyễn Sự vẫn trăn trở đối với các thế hệ lãnh đạo kế cận: “Đây không chỉ là hoạt động kỷniệm, mà còn để nhắc nhở một điều rằng được thế giới công nhận là vùng sinh quyển là công sức giữ gìn của người dân Cù Lao Chàm đối với tài nguyên vô giá này. Đây cũng là đoạn đường chúng ta nhìn lại đi đúng cái gì, chệch cái gì. Và cũng nhận ra rằng chúng ta đang có một tài nguyên quý nên phải giữ gìn”.

Đa dạng sinh học cao

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trải dài từ thành phố Hội An - vùng hạ lưu sông Thu Bồn đến tận quần đảo Cù Lao Chàm, có tính đa dạng sinh học cao, đại diện các kiểu hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng như: hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng cửa sông, hệ sinh thái rừng thường xanh nhiệt đới...

Theo kết quả khảo sát đa dạng sinh học gần nhất, vùng lõi Cù Lao Chàm có 277 loài san hô tạo rạn thuộc 40 giống trong 17 họ. Tại các vùng rạn san hô này đã ghi nhận được có 270 loài cá rạn thuộc 105 giống và 40 họ. Rong biển có 76 loài thuộc 4 ngành... Đa dạng sinh học rừng tại vũng lõi Cù Lao Chàm cũng rất phong phú với 499 loài thuộc 352 chi 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, chiếm 1/20 tổng số loài, gần 1/6 tổng số chi và gần 1/2 tổng số họ của thực vật Việt Nam... Tại Cù Lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Trong đó đáng chú ý có cua đá và 2 loài có tên trong sách đỏ động vật Việt Nam là khỉ đuôi dài và chim yến.

Lê Đình Dũng

Ảnh: Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Hội An - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển Cù Lao Chàm: Đừng để người dân làm thuê trên chính mảnh đất của mình