Theo MedicalXpress, trong các cuộc thử nghiệm trên chuột, các bác sĩ ở bệnh viện Mayo, Mỹ, đã ngăn chặn thành công cái chết của các tế bào thần kinh ở não và như vậy, chặn đứng được sự phát triển của chứng mất trí nhớ. Để làm được điều này, các nhà khoa học đã phải khám phá thuật toán lão hóa đại não và tìm được cách ngăn chặn sự xuất hiện của các tế bào lão hóa trong đó.
Để tiến hành các thử nghiệm khoa học, các nhà khoa học đã tạo ra những con chuột biến đổi gien khiến não của chúng dễ bị bệnh Alzheimer. Đặc biệt, trong não của những động vật thí nghiệm này tích tụ nhanh protein tau, tạo thành các đám rối thần kinh - yếu tố quyết định gây thoái hóa thần kinh.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tình trạng lão hóa các tế bào của hệ thần kinh trung ương góp phần đẩy nhanh các quá trình bệnh lý liên quan đến chứng mất trí nhớ. Những tế bào này không chết hẳn, nhưng chúng cũng không thể hoạt động bình thường - chúng ngừng phân chia và không còn sản sinh các thành phần chống viêm bảo vệ não khỏi bị tổn thương. Khi các nhà nghiên cứu phong tỏa quá trình sinh sôi các tế bào già cỗi như vậy trong não chuột, các quá trình dẫn đến cái chết của não cũng dừng lại.
cCác tác giả của công trình nghiên cứu phát hiện ra rằng tế bào lão hóa trong hệ thần kinh trung ương được chia thành 2 loại – tế bào microglia và tế bào hình sao (astrocyte). Trong các thử nghiệm, các nhà khoa học đã quyết định kiểm tra xem điều gì sẽ xảy ra nếu loại bỏ các tế bào microglia và astrocyte già cỗi ra khỏi não chuột.
Hóa ra, sau khi loại bỏ các tế bào này, chuột (kể cả những con có thiên hướng dễ bị bệnh Alzheimer) vẫn giữ được khả năng hình thành ký ức. Ngoài ra, những con chuột thí nghiệm không còn dấu hiệu viêm và không bị tăng rối loạn thần kinh, thậm chí, kích thước các mảng lắng đọng protein độc hại cũng không tăng lên. Nhờ đó, ngăn chặn được sự thoái hóa thần kinh cũng như chứng mất trí nhớ.
Vũ Trung Hương