Bộ Xây dựng cho biết, hạn chế sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông để làm vật liệu san lấp, phát triển vật liệu thay thế là nhu cầu cấp thiết hiện nay và trong tương lai.

Phát triển vật liệu thay thế, giảm áp lực khai thác cát sông

Lam Thanh | 30/12/2022, 16:01

Bộ Xây dựng cho biết, hạn chế sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông để làm vật liệu san lấp, phát triển vật liệu thay thế là nhu cầu cấp thiết hiện nay và trong tương lai.

Cử tri tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển mở rộng các nguồn cát thay thế (cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng, cát lợ, cát biển …) nhằm từng bước thay thế, giảm áp lực cho việc khai thác cát sông tự nhiên hiện nay.

Bộ Xây dựng cho hay, nhu cầu vật liệu liệu cần thay thế cát tự nhiên của cả nước ngày càng tăng, trong đó nhu cầu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên để phục vụ cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành và một số dự án phát triển kinh tế xã hội tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam và một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) từ nay đến 2025 và 2030 rất lớn, ước tính khối lượng dự kiến lên tới 100 triệu m3.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên tại những địa phương có mỏ đá xây dựng nhằm kết hợp tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, giảm bớt áp lực nguồn cát tự nhiên, đẩy mạnh việc xử lý tro xỉ là vật liệu san lấp, vật liệu tái chế từ chất thải ngành xây dựng và công nghiệp.

Ngoài ra, để kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng cát biển thay thế cát tự nhiên phục vụ các dự án của các tỉnh ĐBSCL và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trên cơ sở đó đã lựa chọn vị trí có tiềm năng khai thác nguồn cát biển thay thế cát tự nhiên và đảm bảo hiệu quả kinh tế là vùng biển Sóc Trăng, với tài nguyên dự báo (cấp 334) khoảng 13,9 tỉ m3, phân bố ở 6 vùng; trong đó có 335 triệu m3 có thể làm cát bê tông, số còn lại có thể sử dụng làm cát xây trát và vật liệu san lấp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu ngày càng tăng phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia, việc phát triển vật liệu thay thế là nhu cầu cấp thiết hiện nay và trong tương lai. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương. Đồng thời hạn chế sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông để làm vật liệu san lấp, sử dụng cát tự nhiên tiết kiệm có hiệu quả; đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.

Bộ cũng tiếp tục rà soát tiêu chuẩn sản phẩm cát nghiền đã có để phù hợp với thực tế (Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa); ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31.12.2019 của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, trong đó có tiêu chuẩn cát nghiền.

cat-song.jpg
Khai thác cát trên sông Hậu - Ảnh: Nguyên Việt

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức đối với cát nghiền, vật liệu thay thế cát tự nhiên; hoàn thiện các đề tài, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cát nhiễm mặn (cát biển) cho bê tông và vữa, tiêu chuẩn quốc gia vật liệu san lấp tái chế từ phế thải phá dỡ công trình; nghiên cứu công nghệ tuyển rửa cát biển, phụ gia sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng nhằm thay thế cát tự nhiên (cát sông).

Đồng thời, nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, định mức xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; tăng cường nghiên cứu đa dạng hóa các chủng loại vật liệu thay thế, góp phần đám ứng cung cầu nguồn vật liệu xây dựng.

“Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi đối với tổ chức cá nhân sản xuất và sử dụng các nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên dùng trong san lấp và công trình xây dựng; nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về vật liệu cát biển và các loại vật liệu thay thế cát tự nhiên”, Bộ Xây dựng nêu.

Mới đây, các chuyên gia của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam chỉ ra rằng, việc khai thác cát không bền vững đang tác động nhiều đến hình thái của sông Tiền và sông Hậu, 2 hệ thống sông chính ở ĐBSCL. 40% diện tích ĐBSCL sẽ biến mất vào năm 2100 vì thiếu hụt trầm tích mà việc khai thác cát quá mức là một trong những nguyên nhân.

Theo WWF, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng trầm trọng hơn, đặc biệt là việc đối mặt với sạt lở bờ sông ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Báo cáo tham vấn của WWF và Tổng cục Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ NN-PTNT) cho thấy, sạt lở đã bủa vây khắp cả đồng bằng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất. Trong 3 năm từ 2018 - 2020, sạt lở gây thiệt hại hơn 200 tỉ đồng tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau.

Riêng năm 2020, An Giang có 53 điểm sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với chiều dài trên 171.000m, khiến khoảng 20.000 hộ phải di dời; Đồng Tháp mất khoảng 329 ha đất do sạt lở, di dời khoảng 8.000 hộ dân; Cần Thơ nằm ở giữa đồng bằng nhưng vào cuối năm 2020 cũng đã có 30 điểm sạt lở, 1.400m sông bị xói mòn, thiệt hại hơn 16 tỉ đồng. Mới đây nhất vào ngày 5.12, vụ sạt lở dài khoảng 350m, rộng khoảng 160m trên sông Cổ Chiên ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã làm mất hơn 4 ha đất, khiến 22 hộ dân với 109 nhân khẩu bị ảnh hưởng, có 12 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Bài liên quan
Một ngày trên công trường khai thác cát sông Tiền
Sáng 14.4, tại lưu vực sông Tiền (đoạn thuộc xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), Tổng công ty 36 và các đơn vị liên quan bắt đầu khai thác những mét khối cát đầu tiên để phục vụ dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
41 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển vật liệu thay thế, giảm áp lực khai thác cát sông