Một bệnh nhân nam 61 tuổi, người bị cứng đờ, đi lại chậm chạp và có khuôn mặt vô hồn đã được các bác sĩ phẫu thuật thành công, giúp bệnh nhân trở lại con người bình thường, tránh nguy cơ bị loạn động, người uốn éo mất kiểm soát.

Phẫu thuật đưa một bệnh nhân cứng đờ, vô hồn trở về bình thường

Một Thế Giới | 29/11/2015, 05:20

Một bệnh nhân nam 61 tuổi, người bị cứng đờ, đi lại chậm chạp và có khuôn mặt vô hồn đã được các bác sĩ phẫu thuật thành công, giúp bệnh nhân trở lại con người bình thường, tránh nguy cơ bị loạn động, người uốn éo mất kiểm soát.

Ngày 28.11, Bệnh viện Đại hoc Y dược TP.HCM cho biết, tại đây vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân T.V. K (61 tuổi, ngụ ở Bình Định) trong tình trạng người cứng đờ, đi lại khó khăn và có khuôn mặt vô hồn.
“Chúng tôi đã sử dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu. Thời gian thuật hiện cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân này kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Đến nay (28.11), sau gần 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhân đã  tỉnh táo, khỏe mạnh, tiếp xúc được, đặc biệt bệnh nhân không còn cứng đờ, có thể đi lại được” - TS. BS Nguyễn Minh Anh- trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM  cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh cho hay, để thực hiện ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã  tiến hành tìm nhân tiền chất ( xác định từ chụp cộng hưởng từ- MRI). Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã gắn một khung định vị trong đầu bệnh nhân, kết nối khung định vị với đầu bệnh nhân thành một khối.
Sau đó bệnh nhân được tiến hành chụp CT Scan. Khung định vị này, giúp cho các bác sĩ xác định tọa độ điểm vào nhân tiền chất. Sau đó bệnh nhân sẽ được khoan sọ với 2 lỗ ( mỗi lỗ khoảng 1cm) ở 2  đỉnh đầu để đưa điện cực vào đặt 2 bên não.
“Khi đặt nguồn điện cực này trong não của bệnh nhân phải làm sao để cường độ dòng điện thấp nhất mà bệnh nhân đạt hiệu quả trong điều trị, không tác dụng phụ. Nếu kích thích quá cao thì sẽ có tác dụng phụ, bệnh nhân bị cứng luôn, giống như những người bị tai biến. Ngoài ra, nếu không khéo, việc phẫu thuật này cũng có thể  gây cho bệnh nhân nhiễm trùng và xuất huyết ”, bác sĩ Anh cho hay.
Theo ông Anh, cách đây khoảng 5 năm, ông K. đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng người cứng đờ, bước đi chậm chạp, gương mặt vô hồn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị hội chứng Parkinson. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa, tái khám và sử dụng thuốc định kỳ. “Người mắc bệnh parkinson có 2 thể, đó là thể cứng đờ, đi lại chậm chạp và thể run. Trong trường hợp bệnh nhân này thể hiện rõ nét ở thể cứng đờ, đi lại khó khăn, khuôn mặt vô cảm”, bác sĩ Anh nói.
Theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Minh Anh, người mắc bệnh Parkinson là do hiện tượng thoái hóa tế bào não ở vùng chất đen (substantia nigra) thuộc trung não. Từ chất đen, có những đường nối thần kinh liên kết đến một phần khác của não gọi là thể vân (corpus striatum), nơi chế tiết ra một chất dẫn truyền thần kinh có tên Dopamin. Dopamin vốn là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nên sự thay đổi của nó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khỏe khác nhau. 
Sự thiếu hụt những tế bào não này và sự thay đổi chế tiết Dopamin là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh Parkinson; đồng thời cũng là mục tiêu điều trị. 
Do đó, những bệnh nhân mắc bệnh này, thường sử dụng loại thuốc để bù lượng Dopamin thiếu hụt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Minh Anh, bất lợi của việc sử dụng thuốc đối với bệnh nhân Parkinson là dễ bị lờn thuốc, nhất là giai đoạn sau khi tăng lượng thuốc cho bệnh nhân sẽ  bị tác dụng phụ .
Nguy hiểm nhất của tác dụng phụ trong việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh nhân mắc bệnh parkinson là biến chứng loạn động. Thay vì bệnh nhân mắc Parkinson bị cứng đờ, không nhúc nhích được, khi uống thuốc một thời gian dài, bệnh nhân bị loạn động, giống như một người uốn dẻo không kiểm soát, có thể té ngã bất cứ lúc nào.
“Phương pháp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu được ứng dụng từ  nguyên lý máy tạo nhịp tim. Người mắc bệnh Parkinson là do thiếu một tiền chất kích thích và máy điện cực này đặt đúng vào chỗ đó để phát xung điện kích thích tế bào từ phía sau giúp bệnh nhân bớt run, bớt cứng đờ, bớt chậm chạm. Mục tiêu của phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu là giảm những vấn đề trên, giảm liều sử dụng thuốc, nếu có thể khỏi phải sử dụng thuốc để không gây biến chứng loạn động, người uốn éo mất kiểm soát”, bác sĩ Minh Anh giải thích.
Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Năm nay sẽ có 5 - 7 cơn bão đổ vào đất liền
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phẫu thuật đưa một bệnh nhân cứng đờ, vô hồn trở về bình thường