UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn phê bình nghiêm túc đối với ông Đoàn Văn Bình - Phó ban Chuyên trách Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh vì những phát ngôn thiếu chuẩn với bà Huỳnh Ngọc Huệ, Phó trưởng phòng Phóng viên Báo Cà Mau.
Trước đó, bà Huỳnh Ngọc Huệ,có đơn yêu cầu gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau yêu cầu làm rõ những phát ngôn của ông Đoàn Văn Bình, tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị cho thẩm định xã Biển Bạch Đông đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Bình có những lời lẽ mang tính chất nhục mạ bà Huệ, nhục mạ Báo Cà Mau.
Ông Bình có lời lẽ xúc phạm bà Huệ, Báo Cà Mau liên quan đến bài báo “Chạnh lòng xóm mồ côi” của bà Huệ được đăng tải trên Báo Cà Mau 7.7.2017.
Bài báo phán Kinh 2, ấp Hữu Thời, xã Biển Bạch Đông người dân đang sử dụng điện chia hơi gần 1 triệu đồng/tháng và lại có nguy cơ bị cắt điện vì không an toàn; kinh rạch thì cạn…
Theo công văn phê bình này, ông Bình phát ngôn tại hội nghị ngày 8.11.2017 ở xã Biển Bạch Đông, là chưa nghiêm túc, khiêm tốn, ngôn ngữ giao tiếp thiếu chuẩn mực, gây bức xúc đối với phóng viên và tập thể tờ báo.
Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc phê bình đối với phát ngôn của ông Bình; yêu cầu ông này nghiêm túc rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục những sai sót, khuyết điểm của mình. Đồng thời đề nghị đơn vị này kiểm điểm đối với ông Bình theo đúng quy định.
Thạch Thanh
Nằm cạnh tuyến đường Vành đai ven biển phía Nam (lộ Xuyên Á - Quốc lộ 22) nhộn nhịp xe cộ là hàng chục hộ dân tuyến kinh 2, ấp Hữu Thời, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình phải sống trong cảnh điện chia hơi và đường thì chưa có. Gọi là “xóm mồ côi” vì người dân ở đây cho rằng mình chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ấp Hữu Thời Nguyễn Đình Sớm bộc bạch: “Làm trưởng ấp nhưng đôi lúc mình thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với người dân. Bởi đã rất nhiều lần tôi kiến nghị vấn đề điện sinh hoạt của người dân với cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết. Còn tuyến đường cũng vậy, sắp đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn còn lầy lội vào mùa mưa”.
"Lởm chởm" hạ tầng
Kinh 2 là trục lộ giao thông chính của xã. Đoạn cuối của kinh còn khoảng hơn 1.000 m lộ chưa được xây dựng, kinh thì đã nhiều năm chưa được nạo vét khiến việc đi lại của bà con vô cùng khó khăn.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Răng bức xúc: “Đoạn kinh này có khoảng 20 hộ dân sinh sống, có gần 30 trẻ em đang trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, đường thì đất đen lầy lội; cầu thì có 2 cây cầu khỉ; kinh thì cạn xèo nên việc đi lại rất khó. Giải phóng đã nhiều năm rồi nhưng tôi thấy vùng này có phát triển gì đâu”.
Trong một con kinh nhưng đoạn không đường thì lại có điện, còn đoạn có đường thì lại chịu cảnh khổ không có điện. Đó là thực trạng của đoạn giữa kinh 2, cũng thuộc ấp này.
“Nguồn điện hạ thế đã về đầu và cuối kinh. Riêng đoạn giữa khoảng 800 mét với gần 20 hộ dân sinh sống thì lại không có điện sử dụng”, Trưởng ấp trần tình.
Nguyên nhân thì chưa ngã ngũ bởi, họ cứ đổ lỗi cho nhau. Ngành điện thì cho rằng địa phương đã không đưa vào thiết kế; lãnh đạo xã thì cho rằng đã đưa vào năm 2015 nhưng ngành điện lúc thi công lại bỏ đoạn này. Kết quả là toàn tuyến đều có điện, chỉ khoảng 800 mét này thì người dân phải sống trong cảnh đèn dầu nếu không ai cho chia hơi, câu phụ.
Việc chia hơi, câu phụ cũng không đến hồi bức bách nếu như xã chưa xây dựng nông thôn mới. Những ngày gần đây, do nhu cầu chuẩn bị xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017, ngành điện gấp rút khảo sát sự an toàn trong sử dụng điện tại các hộ dân. Thế là hơn 20 hộ dân ở tuyến kinh này có nguy cơ đốt đèn dầu vì sử dụng điện không an toàn.
Bà Trần Thị Hà bộc bạch: “Hổm rày mấy ổng vô lập biên bản, tôi sợ lắm. Tôi sợ mấy đứa cháu không có điện học bài. Nhà cũng không bơm được nước sử dụng”.
Mặc dù để có điện sử dụng, những người dân này phải đóng tiền điện khoảng 500 ngàn đến một triệu đồng mỗi tháng cho việc sinh hoạt của gia đình. Ông Trang Phú Quý cho biết: “Gia đình trồng hơn hai công khoai môn nên rất cần bơm nước tưới vào mùa hạn. Tuy nhiên, do điện chia hơi (phải kéo gần 600 mét) nên nguồn điện yếu, vụ mùa năm rồi thất bại cũng nhiều. Thiệt hại về sản xuất trong dân là rất lớn”.
"Khoảng lặng" nông thôn mới
Chị Phan Thị Lẹ chia sẻ: “Riết rồi tôi cảm thấy như người dân nơi đây như mồ côi. Nghe xây dựng 19 tiêu chí nông thôn mới cũng mừng vì nghĩ rằng sẽ có điện, có đường và kinh rạch được nạo vét. Tuy nhiên, giờ thì đường chưa có, điện thì người có người không, lòng kinh thì cạn chưa được nạo vét”.
Trả lời thắc mắc về việc hạ thế điện, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông Nguyễn Phi Thoàng trần tình: “Xã cũng đang rất khó khăn trong hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt với tiêu chí về điện. Hiện tại, theo khảo sát của ngành điện thì toàn xã có 98% hộ dân sử dụng điện thường xuyên và an toàn. Như vậy, nếu xét theo quyết định 705/QĐ-UBND tỉnh xem như tiêu chí này đạt. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương thì toàn xã còn đến 6 tuyến điện đầu tư bị “sót” lại như trường hợp ở Kinh 2. Tổng chiều dài 6 tuyến điện này gần 3 ngàn mét với gần 100 hộ dân bị “bỏ rơi” khi đường điện không kéo tới”.
Nông thôn mới suy cho cùng là việc chung tay xây dựng hòan thiện két cấu hạ tầng để từ đó nâng cao đời sống Nhân dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, tại xã Biển Bạch Đông, nông thôn mới sẽ chưa thể hoàn thiện nếu tình trạng các “xóm mồ côi” như thế này vẫn còn tồn tại...
Huệ Như (đăng trên báo Cà Mau ngày 7.7.2017)