Chính phủ Đức đang phải chịu nhiều áp lực sau hàng loạt các vụ bạo lực được gây ra nhằm vào phụ nữ trong dịp năm mới ở Cologne. Người phải chịu áp lực lớn nhất là bà Merkel khi là người đi đầu trong việc nhận người di cư.
Cảnh tượng vào đêm giao thừa tại Đức vô cùng hoảng loạn khi hàng trăm người phụ nữ bị sàm sỡ, quấy rối và cướp bóc. Vụ bạo lực đêm giao thừa đã khiến người dân Đức phẫn nộ, đặc biệt là tổ chức chống người nhập cư Hồi giáo Pegida.
Tại Leipzig, hơn 2.000 thành viên của Pegida đã xuống đường biểu tình, số người tham gia ngày một đông thêm do tâm lý giận dữ sau bạo lực hôm giao thừa. Những người biểu tình hét to "Merkel phải ra đi!", đồng thời trương biểu ngữ "Merkel hãy lấy người Hồi giáo của bà và biến mất đi".
Chỉ tính riêng tại Cologne, đã có đơn trình báo của hơn 500 phụ nữ trong đó có tới 40% là các trường hợp bị quấy rối tình dục. Con số phụ nữ trình báo bị tấn công trong đêm giao thừa trên toàn nước Đức đã lên đến gần 600 người và chưa hề có dấu hiệu chững lại.
Những người nước ngoài phải chịu trách nhiệm cho hầu hết các vụ bạo lực dịp năm mới ở Cologne, bao gồm cả những người nhập cư đến Đức vào năm ngoái, bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết ngày 11.1.
“Dựa vào lời khai của các nhân chứng, báo cáo từ cảnh sát Cologne và miêu tả của cảnh sát liên bang, có vẻ như người nhập cư phải chịu hầu hết trách nhiệm cho hành vi phạm tội của mình”, bộ trưởng Nội vụ bang Bắc Rhine-Westphalia nói với một ủy ban đặc biệt về bạo lực ở Cologne.
“Tất cả dấu hiệu đều cho thấy rằng các đối tượng này đến từ Bắc Phi và Ả Rập”, ông nói hêm. “Dựa vào kết quả của cuộc điều tra, những người tị nạn đến Đức vào năm ngoái cũng nằm trong số các nghi phạm”.
Do chính sách mở cửa cho người tị nạn vào năm ngoái, Đức đã đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn trong năm 2015 và đang là nước có số lượng người tị nạn cao nhất châu Âu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ phát sinh các vấn đề về giáo dục, văn hóa, tín ngưỡng, tệ nạn xã hội…
Và vụ bạo lực hàng loạt đã gây ra một cú sốc lớn đối với nước Đức, mọi sự chú ý đều đổ dồn đến những người nhập cư đã tới Đức vào năm ngoái; đồng thời cũng làm gia tăng tâm lý hoài nghi và kỳ thị trong những người có tư tưởng bài ngoại tại Đức.
Thiên Kim (theo Reuters)