Bệnh nhân 91 mắc COVID-19- phi công người Anh có nguyện vọng xuất viện sớm, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên phương án cho bệnh nhân này xuất viện về nước, vì hiện tại bệnh nhân đã khỏe và cũng để tránh nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.
TP.HCM cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại rất cao
Phi công người Anh liên tục gọi điện cho người thân báo tin tình hình sức khỏe
BV Chợ Rẫy tính đến ngày xuất viện cho phi công người Anh mắc COVID-19
Phi công người Anh hồi phục kỳ diệu, đã cầm bút viết chữ, ra ngoài phơi nắng
Sáng nay (20.6), Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã lên phương án xuất viện sớm cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh theo đề xuất của Khoa hồi sức cấp cứu. Việc này xuất phát từ nguyện vọng muốn được về nước sớm của bệnh nhân này.
Theo BS.CK2 Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 có nguyện vọng sớm được về nước, vì vậy Khoa hồi sức cấp cứu đề nghị sớm có giải pháp cho bệnh nhân về Scotland để tránh nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện (sức đề kháng kém, tổn thương phổi ).
Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân 91 xuất viện về nước lúc này là phù hợp. Vì bệnh nhân tỉnh, có thể ngồi xe lăn nên có thể mua vé ngồi hạng thương gia kèm theo nhân viên y tế hộ tống, chi phí không nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân xuất viện lúc này là tránh nguy cơ lây nhiễm trùng bệnh viện do sức đề kháng kém, tổn thương phổi ở bệnh nhân
“Chúng tôi đã đưa ra 3 giải pháp để cho bệnh nhân xuất viện về nước, đó là chi phí này sẽ do công ty bảo hiểm chi trả hoặc Công ty bay 919 ( công ty chủ quản của bệnh nhân lo). Trong trường hợp, cả 2 giải pháp trên không thể thực hiện thì bệnh viện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ”, ông Thức cho biết.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong sáng nay (20.6) bệnh nhân 91 tiếp tục tự thở khí phòng, SpO2 90-94%; mạch: 105 lần/ phút; huyết áp: 130/70 mmHg; T 37oC. Bệnh nhân tự ho khạc đàm qua miệng, giao tiếp tốt bằng lời nói.
Hiện bệnh nhân đã cai máy thở 8 ngày, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy. Chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Bệnh nhân tự ăn uống qua đường miệng, nhưng sức ăn chưa nhiều.
Các bác sĩ ở đây đã ngưng thuốc kháng nấm truyền tĩnh mạch, chỉ còn sử dụng thuốc kháng nấm Voriconazol uống cho bệnh nhân; ngưng oxy cho thở khí phòng 24/24. Hiện bệnh nhân chỉ còn kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto, dinh dưỡng đường tĩnh tiêu hóa, vật lý trị liệu ngày 2 lần và săn sóc vết loét cùng cụt.
Như vậy tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 92 ngày điều trị. Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam với chẩn đoán COVID 19 - Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển giai đoạn tăng sinh xơ hoá - nhiễm nấm máu - viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia và Ralstonia pickettii, tổn thương thận cấp do u thượng thận trái (chưa rõ bản chất).
Trong suốt thời gian điều trị trên, có thời điểm bệnh nhân 91 được nhận định là rất khó qua khỏi, tim phổi hoàn toàn lệ thuộc vào máy tim phổi nhân tạo ECMO. Cả hai lá phổi của bệnh nhân đông đặc, hơn 90% phổi không hoạt động. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã chỉ định cho bệnh nhân ghép phổi với hy vọng có thể cứu được bệnh nhân.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đến sáng nay (20.6), Việt Nam đã trải qua 65 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; 209 ca nhiễm COVID-19 nhập cảnh được cách ly ngay. Trong số 349 người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã có 326 người khỏi bệnh được xuất viện, 23 người còn lại đã có 4 người 2 lần âm tính với vi rút SARS- CoV2.
Hiện Việt Nam vẫn còn cách ly, theo dõi 10.500 người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 162 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 9.387 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 951 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hồ Quang