Chiến lược “xoay trục” sang Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa vấp phải thách thức không nhỏ khi cựu Tổng thống Fidel Ramos từ chức đặc phái viên phụ trách vấn đề Trung Quốc.

Philippines chia rẽ vì chiến lược thân Trung, xa Mỹ của ông Duterte

Theo NLĐ | 02/11/2016, 06:38

Chiến lược “xoay trục” sang Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa vấp phải thách thức không nhỏ khi cựu Tổng thống Fidel Ramos từ chức đặc phái viên phụ trách vấn đề Trung Quốc.

Ông Ramos hôm 31.10 xác nhận quyết định từ chức được đưa ra ngay khi ông Duterte trở về từ chuyến công du Bắc Kinh. Ông Ramos chấp nhận vị trí này hồi tháng 7, theo sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vềvụ kiện Biển Đônggiữa Philippines và Trung Quốc.

Lý giải nguyên nhân ra đi, ông Ramos nói mình đã hoàn thành nhiệm vụ “phá băng” trong quan hệ Philippines - Trung Quốc. Tuy nhiên, lời giải thích này không thể che giấu thực tế rằng ông Ramos đang ngày càng không hài lòng với những phát biểu, ưu tiên chính sách của ông Duterte thời gian qua, đặc biệt là tuyên bố muốn “chia tay” Mỹ, cuộc chiến chống ma túy đẫm máu trong nước và mới nhất là sự từ chối phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Điều này thể hiện qua một loạt bài viết chỉ trích ông Duterte và nội các của ông Ramos, được giới truyền thông Philippines đăng tải gần đây. Dù là người thuyết phục ông Duterte ra tranh cử tổng thống nhưng nay ông Ramos mô tả Philippines dưới thời nhà lãnh đạo này giống như“con tàu đang chìm”.

Trong lúc mất đi một người hậu thuẫn có nhiều ảnh hưởng, ông Duterte có thể được khích lệ ít nhiều từ kết quả chuyến công du Trung Quốc. Đáng chú ý, Bắc Kinh nhượng bộ phần nào khi cho tàu cá Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough sau 4 năm phong tỏa. Theo nhà nghiên cứu Ashley Townshend của Trường ĐH Sydney (Úc), nếu sự hòa hiếu này kéo dài, đây có thể được xem là một chiến thắng của chiến lược “thân Bắc Kinh” mà ông Duterte theo đuổi, cũng như là một bước lùi về địa chính trị của Mỹ.

Chuyên gia này lập luận ông Duterte bước đầu đạt được điều mà Mỹ không thể mang lại là “một giải pháp hòa bình” ởbãi cạn Scarborough. Nhưng nói đi phải nói lại, Trung Quốc hôm 31.10 vẫn khẳng định Scarborough là của họ.

Sau cú sốc mang tên Duterte, chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á có thể chịu một đòn mạnh khác từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Najib Razak từ ngày 31.10 đến 6.11. Sau cuộc gặp ngày 1.11 giữa ông Najib và Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã ký 14 thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về tàu hải quân.

Việc ông Najib tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc diễn ra giữa lúc Malaysia và Mỹ hục hặc vìvụ bê bối tham nhũngcủa Quỹ Phát triển Quốc gia Malaysia Development Bhd (1MDB). Hồi tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ tìm cách tịch thu hơn 1 tỉ USD tài sản được cho là do những nhân vật gần gũi và người thân của ông Najib mua bằng tiền đánh cắp từ 1MDB.

Ngược lại, các lãnh đạo Indonesia và Úc vừa nhất trí thăm dò việc tuần tra chung ở Biển Đông. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm 31.10 xác nhận hai nước đang tìm cách tăng cường hợp tác về tuần tra hàng hải và tập trận chung để ngăn Bắc Kinh độc chiếm hầu hết Biển Đông.

Theo hãng tin UPI, động thái này sẽ làm hài lòng những người muốn Indonesia và Úc mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông, trong đó có Mỹ.

Hoàng Phương/Người lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Philippines chia rẽ vì chiến lược thân Trung, xa Mỹ của ông Duterte