Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 về chuyển từ ‘thu phí’ sang ‘thu giá’ đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội

Phó chủ nhiệm UB Kinh tế QH nói về việc chuyển từ ‘thu phí’ sang ‘thu giá’

Nam Phong | 24/05/2018, 07:21

Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 về chuyển từ ‘thu phí’ sang ‘thu giá’ đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội

>>Bộ trưởng Giao thông nói gì về trạm thu phí BOT đổi thành trạm thu giá?

>>Trạm thu giá' và trò cười chữ nghĩa

Liên quan đến việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời về việc đổi tên gọi các trạm thu phí BOT sang tên gọi trạm thu giá BOT gây nhiều tranh luận và hiểu nhầm,bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH đã chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề này. Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ quan điểm rằng việc đổi tên không hề sai.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) chia sẻ: “Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Luật đã quy định là thu giá thì phải gọi là thu giá. Chứ bây giờ luật nói là thu giá mà chúng ta bảo: Không, vẫn cứ phải là thu phí; rồi chúng ta quay trở lại, bắt bẻ nhau rằng, Từ điển Tiếng Việt nói“giá” là thế này và “phí” là thế này thì…”

Ông Kiên cho rằng, Luật Giá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì cần phải được tôn trọng. Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã quy định phí BOT giờ chuyển sang gọi là thu giá dịch vụ BOT.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên:Bắt bẻ nhau rằng, Từ điển Tiếng Việt nói “giá” là thế này và “phí” là thế này thì…​

“Với tư cách là người xây dựng luật, theo tôi, Luật Giá có thể chưa bao hàm hết được 100% vấn đề của xã hội nhưng ít nhất nó cũng bao quát được 85-90%, trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Vì 5 năm một lần các cơ quan chức năng đều có đánh giá lại quá trình thi hành một luật nào đó và Luật Giá cũng vậy", vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói.

Vị ĐBQH này dẫn dẫn chứng minh hoạ: “Trạm thu phí BOT hay thu giá dịch vụ BOTcũng chỉ là tên gọi thôi, ví dụ như chúng ta quen gọi là phí giường nằm ở bệnh viện nhưng thực tế nếu đúng chúng ta phải gọi là giá giường nằm một ngày đêm. Hay đi vào khách sạn thì phải gọi là giá phòng khách sạn chứ không thể nói là phí phòng khách sạn…”

“Phí” hay “giá” BOT cũng phải chú ý lợi ích nhân dân

Đồng quan điểm với đại biểu Kiên, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23.5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng việc đổi tên thu "phí" thành thu "giá" BOT cũng chỉ là vấn đề thuật ngữ.

"Còn gọi là phí hay giá khi bù đắp chi phí của nhà đầu tư cũng phải thực hiện đúng thẩm quyền, đặc biệt là phải chú ý đến lợi ích của nhân dân địa phương và phải có phương án tính toán hợp lý lợi ích của cả nhà đầu tư"- ĐB Nguyễn Đức Hải nói.

Chủ nhiệm UB TCNS Quốc hội Nguyễn Đức Hải (đứng): Việc chuyển từ "phí" sang "giá" thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu​

Theo Chủ nhiệm UB TCNS, việc chuyển từ "phí" sang "giá" thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Tức là, trong cơ chế thị trường thì nhà đầu tư phải có sự tính toán cho phù hợp.

Ông Hải nói thêm, thực tế, dù là cơ chế thị trường thì vẫn cần có sự kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là những loại hàng hóa cung cấp dịch vụ công cộng như trạm thu phí BOT. Cụ thể, trách nhiệm đối với người dân trước tiên thuộc về Bộ GTVT. Sau đó, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cũng phải kiểm soát.

Con đường BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nếu xác định con đường BOT thuộc sở hữu của doanh nghiệp đã bỏ tiền ra đầu tư thì khi đó dùng khái niệm thu giá là chính xác. Tuy nhiên, con đường BOT không phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư.

Do đó, phải dùng tên gọi là trạm thu phí. Bởi khi đó nhà đầu tư chỉ có quyền thu lại những giá trị mà doanh nghiệp đã đầu tư vào con đường đó theo một bài toán kinh tế hợp lý nhất cho các bên.

Đại biểu Dương Trung Quốc: "Doanh nghiệp BOT không thể bán những thứ họ không sở hữu"

Doanh nghiệp BOT không thể bán những thứ họ không sở hữu. Ở đây doanh nghiệp BOT chỉ thu phí để thu hồi những khoản đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra theo một thời gian nhất định đảm bảo doanh nghiệp đó có một lợi nhuận hợp lý mà thôi.

“Còn nếu dùng là thu giá, khi đó sẽ được viện dẫn là nhà của tôi, đường của tôi, nhà đầu tư đó có toàn quyền quyết định giá thì sẽ có nhiều bất cập. Vấn đề ở đây là nhà đầu tư chỉ bỏ một số vốn nhất định để đầu tư vào con đường nâng cấp nó lên thì chỉ được thu một phần lợi nhuận trong đó. Như vậy, chỉ coi là thu phí chứ không thể coi là thu giá được”, đại biểu Dương Trung Quốc phân tích.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nếu để nhà đầu tư có quyền tự tăng, giảm giá thì sẽ dẫn đến một xu thế là nhà đầu tư thường chỉ tăng giá để nhanh chóng thu hồi vốn. Tuy nhiên, về mặt điều tiết, nhà nước có trách nhiệm phải điều tiết về tăng giảm phí để đảm bảo phù hợp với thực tiễn; trong đó có lợi ích của những người tham gia giao thông.

Bài, ảnh: Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó chủ nhiệm UB Kinh tế QH nói về việc chuyển từ ‘thu phí’ sang ‘thu giá’