Từ ngày 9.1, Đường sách Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, Quận 1) sẽ khai trương và đi vào hoạt động. Chẳng những mang đến một không gian mới cho độc giả yêu sách, 20 Nhà xuất bản (NXB) và các Công ty cổ phần - Phát hành sách đăng ký tham gia tại Đường sách đều xây dựng nhiều chương trình văn hóa riêng để cùng góp sức tôn vinh văn hóa đọc.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Lê Hoàng: Đường sách sẽ tôn vinh, phát triển văn hóa đọc

Một Thế Giới | 09/01/2016, 08:00

Từ ngày 9.1, Đường sách Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, Quận 1) sẽ khai trương và đi vào hoạt động. Chẳng những mang đến một không gian mới cho độc giả yêu sách, 20 Nhà xuất bản (NXB) và các Công ty cổ phần - Phát hành sách đăng ký tham gia tại Đường sách đều xây dựng nhiều chương trình văn hóa riêng để cùng góp sức tôn vinh văn hóa đọc.

Báo điện tử Một Thế Giới đã có những trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Xuất bản (PCTHXB) phụ trách Văn phòng phía Nam, thành viên Ban quản lý dự án Đường sách Nguyễn Văn Bình, ông Lê Hoàng về các tiêu chí chọn lựa các gian hàng nhà xuất bản cũng như nguồn kinh phí để duy trì hoạt động đường sách.

Xã hội hóa đường sách

- Các đơn vị khi đăng ký tham gia hoạt động trên đường sách Nguyễn Văn Bình phải đáp ứng được những tiêu chí như thế nào từ Ban quản lý đường sách thưa ông?

- PCTHXB Lê Hoàng: Đây là đường sách TP.HCM vì thế phải mang đậm tính chất của thành phố là năng động, phát triển. TP.HCM cũng có những sắc thái riêng của nó nên đường sách phải thể hiện đầy đủ tính chất đó. Những đơn vị tham gia đường sách là những NXB, công ty làm sách cũng phải đảm bảo được phục vụ cho đặc trưng trên.

Thứ nhất, những NXB, công ty sách có bề dày, có uy tín thương hiệu để đảm bảo là nơi cung cấp tác phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu phát triển của Thành phố và đất nước.

Thứ hai, là đơn vị phải có năng lực tổ chức các hoạt động như tổ chức giới thiệu, giao lưu tôn vinh tác phẩm hoặc tạo ra sự kiện về sách trên đường sách, từ đó mới mong tạo không gian văn hóa đọc.

Thứ ba, là những đơn vị có năng lực tổ chức có tầm vóc để làm không gian đường sách. Cụ thể tại mỗi gian hàng được bày biện hiện đại văn minh, nhân viên phục vụ lịch sự văn hóa, tuân thủ pháp luật… để các gian hàng này đảm bảo được bày bán những sách chính thống có chất lượng chứ không phải bán sách hạ giá theo chợ xôn.

Thứ tư, các đơn vị đó phải có những ấn phẩm phù hợp giới trẻ, du lịch… bởi đường sách là nơi giao lưu khách trong nước, nước ngoài đến thành phố và Việt Nam nên cần phải có ấn phẩm phục vụ cho du lịch, tìm hiểu về văn hóa con người Việt Nam.

Cuối cùng, những doanh nghiệp hay tổ chức tham gia phải đảm bảo đáp ứng, chấp hành được những yêu cầu cụ thể của đường sách về nét văn minh, văn hóa và tài chính duy trì ổn định theo.

- Để biến một đường sách ước mơ thành sự thật, chắc chắn không thể không có nguồn tài chính. Vậy ngân sách quản lý và chi phí xây dựng, bảo dưỡng cũng như duy trì đường sách sẽ lấy từ đâu và điều phối, phân bổ như thế nào?

- PCTHXB Lê Hoàng: Hiện ngân sách nhà nước cho Đường sách TP.HCM sẽ dùng để phục vụ cho những hoạt động văn hóa đọc gắn với ngày lễ, sự kiện chính trị của Thành phố và cả nước. Còn hoạt động của các gian hàng và tổng chi phí đầu tư của đường sách phải xã hội hóa.

Tổng chi phí đầu tư sẽ phân bổ ra các gian hàng gồm chi phí thi công thiết kế cổng chào, điện, mạng Internet, gian hàng, ánh sáng, các tiểu cảnh cho không gian. Các đơn vị khi tham gia hoạt động ở đấy phải bỏ ra chi phí này để đầu tư cho các hạng mục đã nêu.

- Cụ thể mỗi gian hàng phải đóng là bao nhiêu để tham gia vào việc hoạt động ở đường sách thưa ông?

- PCTHXB Lê Hoàng: Mỗi gian hàng chuẩn 4,5m x 4,5m có tổng chi phí 476 triệu đồng. Gian hàng nhỏ hơn và vướng cành cây hay trụ điện có giá 387 triệu đồng. Chi phí này được xây dựng trên cơ sở thiết kế, vật tư nguyên liệu và dàn dựng.

- Như vậy, sau khi đóng xong khoản tiền ban đầu tham gia đường sách nêu trên, trong bao lâu các đơn vị sẽ phải đóng phí tiếp và việc bảo quản sẽ do ai chịu trách nhiệm sửa chữa nâng cấp?

- PCTHXB Lê Hoàng: Đây sẽ là tài sản của đơn vị đó trong vòng 5 năm. Sau này nếu như nâng cấp chỉnh sửa thì phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị và họ phải tự bỏ tiền ra. Sau 5 năm muốn hoạt động tiếp thì đăng ký, không thì chuyển nhượng nhưng vẫn phải đảm bảo được các tiêu chí của Ban điều hành (BQL) Đường sách TP đặt ra và được BĐH phê duyệt.
Le Hoang: Duong sach xuat phat tu tinh yeu cua nguoi me sach-hinh-anh-1
 Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM sẽ khai mạc vào 15g chiều mai (9.1.2016)

- Nếu vậy, trong quá trình 5 năm hoạt động tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, các đơn vị này phải tự bảo quản, tự thuê bảo vệ hay Ban điều hành có một giải pháp khác?

- PCTHXB Lê Hoàng: Khi đi vào hoạt động Đường sách sẽ có một công ty do Hội xuất bản Việt Nam thành lập điều hành hoạt động. Công ty này vận hành trên cơ sở phí đóng góp hàng tháng của các gian hàng để phục vụ cho điều hành hoạt động đường sách như: Tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, mạng lưới bảo vệ, vệ sinh… nhằm đảm bảo sự vận hành đường sách đúng với định hướng và phát triển.

Hiện chi phí đã được chúng tôi tính toán và cân nhắc kỹ đưa ra mẫu số chung là 10 triệu đồng /tháng đối với các gian hàng ở Đường sách Nguyễn Văn Bình.
Tâm huyết phát triển văn hóa đọc

- Nói đến vấn đề về giao thông và các điểm gửi xe, như ông biết Đường sách Nguyễn Văn Bình nằm ngay trục trung tâm quân 1, và việc gửi xe để đi đến đường sách rất khó khăn. Ban quản lý đã có những giải pháp nào về vấn đề trên?

PCTHXB Lê Hoàng: Hiện tại con đường Nguyễn Văn Bình – Đường sách đã được Ủy ban Nhân dân TP phê duyệt trở thành đường đi bộ, cấm tất cả các loại xe di chuyển. Riêng khu giữ xe cho người đến với đường sách, BĐH đã liên kết với Bưu điện TP và mở thêm một điểm nữa ở góc đường Hai Bà Trưng.

Theo như các bạn biết, Sở Giao thông đã tổ chức một tuyến xe điện đi từ chợ Bến Thành tới Sở thú và Nhà thờ Đức Bà, nên du khách sẽ tiện ích hơn. Vì vậy, điểm giữ xe là khu vực phức hợp chung với tổng quan Thành phố, và đường sách nằm chung trong tổng hòa đó.

- Chúng ta đang nhắc rất nhiều về mặt bằng tổng quan và cảnh quan đường sách với sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, vấn đề nhỏ nhưng lại thể hiện sự văn minh căn bản nhất của một điểm sinh hoạt văn hóa đó chính là hệ thống vệ sinh công cộng, phía BĐH đường sách đã có những giải pháp nào?

Đảm bảo vệ sinh, và khu vực vệ sinh cho những người tới đường sách đã được chúng tôi tính toán kỹ. Vì không muốn mất đi cảnh quan chung của đường sách nên chúng tôi đã liên kết với chuỗi hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonalds sát bên bưu điện.
Chúng tôi phối hợp và mở rộng ra để phục vụ cho đường sách. 

- Thưa ông tại sao kế hoạch ban đầu là cuối tháng 12 khai mạc Đường sách TP.HCM, nhưng lại bị dời lại mãi cho tới 9.1.2016?

- PCTHXB Lê Hoàng: Đường sách là công trình lớn nên tôi muốn mọi thứ phải được làm tốt nhất, chất lượng, muộn hơn dự kiến vài ngày cũng không sao. Nó cho phép chúng ta kỳ vọng, góp phần cho Đường sách TP.HCM có những xuất bản phẩm chất lượng, đẳng cấp để chúng ta yên tâm phục vụ, đáp ứng được mong muốn của bậc phụ huynh, những người đọc tri thức là đảm bảo sách có nguồn gốc pháp lý rõ ràng.
Dưới góc độ của người quản lý và làm nghề chúng tôi mong muốn đây sẽ là một điểm đến văn hóa, góp phần làm lành mạnh hơn nghành nghề xuất bản cũng như cung cấp một nguồn tri thức cho tất cả những người làm nghề và yêu sách. 
Đường sách ra đời là xuất phát từ tấm lòng và tình yêu của những người yêu sách. Chính vì vậy, nó đã nhận được sự ủng hộ đồng thuận từ Ủy ban Nhân dân TP cho tới các Sở Ban Ngành cũng như người dân. 
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. 

Diệu Linh (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Lê Hoàng: Đường sách sẽ tôn vinh, phát triển văn hóa đọc