Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền" khi các ngân hàng thương mại “tồn kho tiền”.

Phó thống đốc Đào Minh Tú: Ngân hàng đang phải chữa bệnh ‘thừa tiền’

Sơn Lam | 07/09/2023, 16:46

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền" khi các ngân hàng thương mại “tồn kho tiền”.

Ngày 7.9, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ.

Ông Tú ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". “Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, dù NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay".

thua-tien.jpeg
Cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp

Ngân hàng NHNN cho biết, đến ngày 29.8.2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỉ đồng/năm. Thực tế, doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỉ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỉ đồng.

Theo NHNN, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, NHNN khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

thua-tien-2.jpeg
Ngân hàng đang "tồn kho" tiền

Theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản. Ngoài ra, việc triển khai một số chương trình tín dụng như gói 120.000 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ lãi suất... cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

NHNN cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Do đó, NHNN cho rằng cần các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bát động sản) và nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp…

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, nửa đầu năm 2023 lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào ngân hàng rất lớn. Nguyên nhân một phần từ lãi suất huy động cao và phần khác do các thị trường đầu tư như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu... vẫn khá trầm lắng.

"Các nhà đầu tu vẫn giữ tâm lý thận trọng", ông Thịnh nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh việc các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng thì không ít doanh nghiệp “không muốn vay”, bởi lãi suất vẫn ở mức cao và lượng đơn hàng giảm, thị trường khó khăn.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định hiện tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (3%) ở mức thấp so với GDP theo giá hiện hành của Việt Nam (7%), trong khi vòng quay của tiền dưới 1. Điều này khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù ngân hàng thương mại dư thừa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
4 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thống đốc Đào Minh Tú: Ngân hàng đang phải chữa bệnh ‘thừa tiền’