Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: “Cơn bão số 3 có diễn biến phức tạp, trên diện rộng, tiếp theo bão số 1, 2 vừa đổ bộ vào Nam Định, Thái Bình gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước, người dân. Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó. Nếu chủ động ứng phó sẽ khắc phục được nhiều hậu quả đáng tiếc”.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: ‘Rút kinh nghiệm bão số 1, 2 để ứng phó với bão Thần sét’

Trí Lâm | 19/08/2016, 05:56

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: “Cơn bão số 3 có diễn biến phức tạp, trên diện rộng, tiếp theo bão số 1, 2 vừa đổ bộ vào Nam Định, Thái Bình gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước, người dân. Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó. Nếu chủ động ứng phó sẽ khắc phục được nhiều hậu quả đáng tiếc”.

Không được chủ quan

Ngày 18.8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng đã về các địa phương được dự báo ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 3 để kiểm tra công tác phòng, chống bão. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra công tác phòng chống bão tại Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tại Hải Phòng, thị sát tuyến đê biển số 1 Đồ Sơn, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh không được chủ quan, Hải Phòng cần quán triệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Đây là cơn bão kéo theo lượng mưa lớn tới 200-300mm, thậm chí có nơi tới 400mm, Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm tới công tác thoát nước đô thị.

Nhiệm vụ số 1 là bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng con người, đồng thời giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản; có phương án bảo đảm lưu trú cho khách du lịch bị kẹt bởi bão; nhanh chóng khôi phục, ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân sau bão.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm việc cấm biển từ 17 giờ chiều nay; vận động bà con ngư dân, nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn tránh bão. Các cấp ủy, chính quyền của Thành phố Hải Phòng hủy, hoãn tất cả các cuộc họp khác để tập trung thực hiện nhiệm vụ chống bão.

Được biết Hải Phòng đang điều 5 đoàn công tác đi chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an ứng trực tìm kiếm cứu nạn tại vịnh Lan Hạ (Cát Bà); thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy, vui chơi giải trí trên khu vực biển đảo và ven sông từ 17 giờ chiều nay.

Quảng Ninh luôn có khả năng gặp lũ quét, sạt lở, ngập úng

Sau khi đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ tại Hải Phòng, ngay trong tối nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tới Quảng Ninh, cùng lãnh đạo địa phương nắm bắt tình hình mưa bão, đưa ra các chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 3 sẽ tiến vào địa phận nước ta trong ngày mai.

Phó thủ tướng đồng tình với quan điểm chỉ huy ứng phó của tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần “4 tại chỗ”, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão lũ gây ra kể cả trước, trong và sau bão. Không chủ quan thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của mưa bão vì với địa hình đặc thù thì Quảng Ninh luôn có khả năng chịu các loại hình thiên tai như lũ quét, ngập úng, sạt lở.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết đã có phương án an toàn đối với khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực ao đầm, lồng bè, nuôi trồng thủy sản, bến tàu, cầu cảng, vùng trũng ngập lụt, nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng…

Rút kinh nghiệm từ thiệt hại hơn 1.000 tỉđồng vì cơn bão năm 2015, ngay từ đầu năm, Vinacomin đã triển khai kế hoạch phòng, chống bão lũ năm 2016. Đến thời điểm này, Tập đoàn đã hoàn thành hệ thống tách nước của các bãi thải, thoát nước ra khỏi khu dân cư. Chân bãi thải đã làm kè ta luy. Toàn bộ hệ thống thoát nước hầm lò đã được nâng cao năng lực thoát nước.

Đặc biệt, ở mỏ than Mông Dương, những hệ quả của năm ngoái đã được khắc phục xong nhưng năm nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngập nước nên Vinacomin sẽ tập trung ứng phó tại khu vực này. Với mỏ than lộ thiên, đã có hệ thống thoát nước theo bờ tầng để hạn chế tối đa nước vào khai trường. Đồng thời ngay trong chiều nay, Vinacomin đã rút hết công nhân ra khỏi các hầm lò.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho biết có nhiều nguy cơ sạt lở núi xảy ra khi bão về và hệ thống đê biển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì bão kết hợp với đợt triều cường đang dâng cao.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã chỉ đạo các đơn vị quản lý 23 hồ đập trên địa bàn tỉnh, bảo đảm mực nước ở mức 70%. Còn lực lượng quân đội đã huy động hơn 7.000 bộ đội và dân quân tự vệ ứng trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để đối phó nếu trường hợp xấu xảy ra.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát Nam Định

Cũng trong chiều 18.8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Nam Định và Thái Bình.

Tại Nam Định, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3; đi kiểm tra tình hình neo đậu tàu, thuyền tại cảng cá Ninh Cơ;đi kiểm tra tuyến đê biển Hải Hậu.

Phó thủ tướng cũng đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm tại cảng Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Đánh giá cao sự chuẩn bị quyết liệt, tích cực của các địa phương, Phó thủ tướng nhận định: “Cơn bão số 3 có diễn biến phức tạp, trên diện rộng, tiếp theo bão số 1, 2 vừa đổ bộ vào Nam Định, Thái Bình gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước, người dân. Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó. Nếu chủ động ứng phó sẽ khắc phục được nhiều hậu quả đáng tiếc”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ số một là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tất cả tàu, bè ngoài biển phải đưa vào bờ. Tập trung cùng các địa phương sơ tán người dân khỏi các công trình cũ, có khả năng sập đổ cao.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý địa phương tính toán phương án có thể cho các em học sinh ở tất cả các cấp học nghỉ học tránh bão. Tuyệt đối cấm các hoạt động du lịch và tập trung bảo vệ các công trình xây dựng. Đặc biệt, tập trung bảo vệ đê biển bằng phương tiện, vật tư tại chỗ.

Ông Phạm Văn Sinh, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình cho biết, đến thời điểm chiều 18.8, tất cả các phương tiện tàu thuyền đã về nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng đã tiến hành sơ tán người dân khỏi những lồng bè nuôi trồng thủy sản, những khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Nam Định đã chuẩn bị vật liệu để gia cố đê, cụ thể đã chuẩn bị 1.000 rọ đá, bổ sung 1.500 rọ để rải ở những điểm xung yếu. Lực lượng xung kích luôn túc trực sẵn sàng để chủ động khi có sự cố. Hiện địa phương cũng đã chuẩn bị phương án bơm nước để chống ngập úng.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: ‘Rút kinh nghiệm bão số 1, 2 để ứng phó với bão Thần sét’