Năm Cỏn xách cái thùng, chỉ tay vào mấy con cá lóc, cá rô, lươn cười giòn: “Ít, nhưng coi bộ ngon khỏi chê. Bao nhiêu đây, một tấn cá nuôi bán đầy ngoài chợ cũng không có cửa đổi”.

Phóng sự: Phải lòng con cá đồng trăm năm

Một Thế Giới | 02/12/2013, 00:21

Năm Cỏn xách cái thùng, chỉ tay vào mấy con cá lóc, cá rô, lươn cười giòn: “Ít, nhưng coi bộ ngon khỏi chê. Bao nhiêu đây, một tấn cá nuôi bán đầy ngoài chợ cũng không có cửa đổi”.

Ăn con cá đồng “phê” bao nhiêu thì lại thương đồng bấy nhiêu…
Phố giáp với đồng
Qua khỏi cây cầu bắt qua sông Tắc là đô thị nằm ở sau lưng. Đồng bưng quận 9 (TP.HCM) trải dài, len lỏi giữa mảng nhà thưa thớt. Theo Năm Cỏn, đó là sự may mắn vì cả chục năm nay đất đai “đứng bóng” mua bán nên ruộng, kênh vẫn còn. Nhờ đó con cá lại về đồng nảy nở sinh sôi.
Năm Cỏn ngoài bốn mươi, làm nghề thợ sắt. Nhà cửa có sẵn do song thân để lại nên chẳng lo lắng nhiều chuyện sinh kế. Anh thích thụ hưởng gió đồng hơn tiện ích phố thị. Cái tính phong lưu, ưa tiêu dao trời rộng sông dài, những khi không có ai đặt hàng làm cầu thang, cửa sắt, Năm Cỏn lại ra đồng kiếm cá.
Sáng sớm thì quăng câu kiếm thêm “em” cá lóc cỡ cán rựa là đủ. Không bán chác gì, anh em hàng xóm lai rai xị rượu mà chặt tình quê.

“Con cá, con lươn đi ăn đầu hôm. Nước lớn chút là nó ra khỏi nơi ẩn náu để đi kiếm mồi. Tui thả mấy ống trúm bắt lươn, vác mớ lờ đi đặt cá. Sáng sớm thì quăng câu kiếm thêm “em” cá lóc cỡ cán rựa là đủ. Không bán chác gì, anh em hàng xóm lai rai xị rượu mà chặt tình quê”. Năm Cỏn nói, giải thích cái tình làng mênh mang chứ không gò bó như các quận trung tâm, ở hai căn hộ sát nhau trong cùng chung cư mà như không quen biết.

Nói thì đơn giản, nhưng để bắt được con cá là cả một nghệ thuật chứ chẳng chơi. Năm Cỏn và nhiều hàng xóm của anh như Nhã Khmer lại không thích dùng xung điện nên bao giờ cũng “đỏ mắt” tìm cá.

“Cái trò xung điện tàn hại dữ lắm. Ở đây gần Đồng Nai nên mấy tay anh chị ở bển cứ chèo ghe qua dùng. Tai hại hơn, họ còn sử dụng luôn hóa chất của Trung Quốc. Tụi tui phát hiện là báo công an liền”. Năm Cỏn nói.

Nhã Khmer quê ở Trà Vinh cũng là một tay hải hồ thứ thiệt. Anh là người dân tộc Khmer, quen sông nước, nhưng vì kế sinh nhai phải lưu lạc phố thị Sài thành. Thời gian đầu làm thợ hồ ở trung tâm, sau lại thèm đồng, tạt về quận 9, xin giữ vườn giúp cho chủ đất mua đầu cơ.

“Mấy năm nay, ông chủ không bán được đất, một mặt mình nuôi cá, nuôi gà, mặt khác đi bắt cá lo bữa ăn. Mỗi ngày ra đồng kiếm mớ kèo nèo, bông súng về bán thêm là đủ sống. Mình giữ đất như ông quản gia, nhưng “ở đợ” kiểu này quá sướng. May mà thành phố còn chút vạt đồng áng này mà nương nhờ”. Nhã Khmer cười hiền.

Phong su: Phai long con ca dong tram nam

Con cá đồng ngon đến độ đổi cả tấn cá nuôi thì Năm Cỏn cũng không ưng cái bụng

Thương phận cá đồng
Dường như trong sâu thẳm ký ức của cư dân Nam bộ luôn có hình ảnh con cá đồng từ thời mở cõi. Có câu chuyện đã thành giai thoại của một nhà văn xứ Nam kỳ, đó là ông bắt con cá đồng về "rộng" (tức nhốt - PV) trong chum làm mẫu cho vợ.
Mỗi bận bà xã đi chợ, ông yêu cầu liếc kỹ con cá lóc đồng mà đi mua cho đúng. Con cá đồng đầu nhỏ, người thon, khỏe mạnh vì sống tự nhiên chứ không như con cá nuôi đầu to, mập mạp mà thịt bở rợ, ăn lạt như khoai lang.
"Ăn con cá đồng ở thành phố mới thấy thương phận đồng quê. Bây giờ đô thị lấn dần những triền cỏ, chen dần những con kênh và con cá đồng gần như hết đất sống".

Nghe chuyện ông nhà văn, Năm Cỏn phì cười, nói chắc nịch rằng con cá đồng là tuyệt chiêu mà không phải ai cũng đủ sành ăn để nhận biết.

Sau một đêm lang thang trên “miệt thứ quận 9”, Năm Cỏn và Nhã Khmer bắt được hai con cá lóc, hai con lươn và mấy con cá rô đồng béo ngậy.

Món dễ ăn nhất của cá đồng có lẽ chỉ có nướng trên than. Sành điệu hơn là thui rơm, nhưng tìm rơm ở Sài Gòn chẳng khác gì tìm đàn piano ở… sân vận động.

“Nướng con cá lóc là một quá trình rất công phu. Lửa phải nhỏ, hầm sức nóng mà trải qua rất lâu mới chín từ trong ra ngoài. Ruột cá lóc đồng là đỉnh đỉnh ẩm thực, chỉ có người lớn mới được ăn. Còn trẻ mà gắp trước thì do ruột cá bổ và mát quá có thể dẫn tới chảy máu cam”. Năm Cỏn tợp ngụm rượu, nhường cho khách món lòng cá thơm giòn, giải thích việc ăn ruột cá với người nhỏ tuổi là… hỗn nên bị đánh.

Rượu uống giờ lâu, mềm môi và cuộc vui chừng chưa muốn dứt. Nhã Khmer bẻ con lươn vàng um chấm ngập vào muối ớt chanh, nắc nẻ sướng rồi ngậm ngùi: “Ăn con cá đồng ở thành phố mới thấy thương phận đồng quê. Bây giờ đô thị lấn dần những triền cỏ, chen dần những con kênh và con cá đồng gần như hết đất sống. Nhà nước cứu mấy ông bất động sản thành công thì bê tông lấp hết. Lúc đó, dù ông nhà văn Nam kỳ kia có giữ lại con cá mẫu thì cũng chịu. Vì con cá của ổng sẽ thành loài vật trong sách đỏ”.

Những người đã phải lòng đồng ruộng trăm năm sẽ phải day dứt lắm!

Thanh Nhã

(Ảnh: Một ngư phủ trên dòng sông Tắc. Ảnh Thanh Nhã)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phóng sự: Phải lòng con cá đồng trăm năm