“Lò” Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều nữ ca sĩ cho phòng trà Sài Gòn lúc ấy.

Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Những nàng ca sĩ tên Phương

bai cao | 01/11/2016, 13:00

“Lò” Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều nữ ca sĩ cho phòng trà Sài Gòn lúc ấy.

>>Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Nhạc trẻ vào phòng trà
>>Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Danh ca đất bắc thành danh ở phương nam
>>Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Bà bầu bất cần đời và phòng trà đại gia
Đặc biệt, như để tạo dấu ấn, tên của các nữ ca sĩ ấy đều bắt đầu bằng chữ Phương (chỉ trừ nữ ca sĩ Hoàng Oanh).
Phương Hồng Ngọc - Bé út của Việt Nhi
Cô tên thật là Nguyễn Thị Cẩm Hồng, dân Cần Thơ. Ông thân sinh của nữ ca sĩ này mang trong người mang 3 dòng máu: Việt, Hoa và Pháp. Từ nhỏ Cẩm Hồng đã ham mê văn nghệ, tập ca hát với năng khiếu trời cho. Rồi lên Sài Gòn, cô tham gia vào lò của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ năm 12 tuổi.
Phương Hồng Ngọc là người nhỏ tuổi nhất trong ban Việt Nhi. Không những vậy, cô còn là thành viên của ban hợp ca Sao Băng nữ (để phân biệt với Sao Băng nam) cũng do Nguyễn Đức thành lập gồm Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Minh Châu, Phương Hồng Loan (vợ đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng Hoa), Kim Anh (vợ nghệ sĩ cải lương Thành Được)...
Lúc hát trong lò Việt Nhi trên đài phát thanh, bài tủ của Cẩm Hồng làEm bé quênhưng đến với phòng trà, Phương Hồng Ngọc thích nhất bàiNước mắt mùa thucủa nhạc sĩ Phạm Duy. Phương Hồng Ngọc dù chỉ mới làm quen với không khí phòng trà từ đầu năm 1971 (năm 17 tuổi) nhưng rất dạn dĩ và khá già dặn kỹ thuật. Mỗi đêm cô phải chạy show đến bốn phòng trà. Ngoài ca hát, Phương Hồng Ngọc còn tham gia vào bộ phimChiều kỷ niệmvì có gương mặt hao hao với Thẩm Thúy Hằng lúc nhỏ.
Một thời gian sau, Phương Hồng Ngọc trở thành vợ của kịch sĩ Ngọc Đức và có với nhau hai người con. Nhưng sau khi sang Mỹ định cư, hai nghệ sĩ này đã chia tay trong êm thắm.
Phương Hoài Tâm - Sơn ca vui hát
Cô gái mang tên Phương Tâm đến với ca hát thật tình cờ. Rất nhút nhát và sợ đám đông nên từ nhỏ cô không tỏ vẻ gì tha thiết với ca hát. Lúc nhỏ cô học đàn mandolin với nhạc sĩ Tùng Phương. Lúc ấy, nhạc sĩ Nguyễn Đức vẫn thường đến nhà bố mẹ Tùng Phương chơi, gặp Tâm và đề nghị “nữ ca sĩ con” này vào hát với ban Việt Nhi của ông.
Tên Phương Hoài Tâm của cô được chính thức ra đời từ khi nhạc sĩ Châu Kỳ giao cho cô trình bày nhạc phẩmSao chưa thấy hồi âmcủa ông khi cô được 16, 17 tuổi. Phương Hoài Tâm là một gương mặt đẹp của làng ca sĩ, giống như một cô nữ sinh bẽn lẽn, tươi tắn và dịu mát. Cô được xem như một con sơn ca líu lo những điệu nhạc vui cho đời.
Năm 1969, Phương Hoài Tâm bắt đầu bước lên bục gỗ phòng trà, tuy nhiên không hát cố định cho phòng trà nào. Và sau đó, cô bắt đầu hát nhiều trên đài phát thanh và xuất hiện trên truyền hình trong những chương trình của các nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Châu Kỳ, Trần Thiện Thanh, ngoài một chương trình riêng của mình là Sơn Ca. Thêm vào đó, Phương Hoài Tâm còn có mặt trong các chương trình đại nhạc hội của Duy Ngọc, Châu Kỳ... và được biết đến với một số nhạc phẩm nhưSơn nữ ca, Đò chiều, Thiên thai(song ca với Hoàng Oanh)...
Phương Hồng Hạnh trong tà áo dài
Cô ca sĩ tên thật là Dương Thị Hạnh, có một đôi mắt to, tròn ngơ ngác trên gương mặt có hai đôi má bầu bĩnh. Cô có thân hình mảnh mai như dáng vẻ của một cô học trò, thế mà mỗi đêm Phương Hồng Hạnh phải chạy show cho bốn nhà hàng lớn: Đêm Màu Hồng, Tự Do, Maxim’s, Queen Bee, cho thấy cô cũng là một giọng ca được ưu ái.
Hạnh sinh tại Hà Nội vào năm 1951. Khi vào nam, năm 1962, Hạnh xin gia nhập vào lò của nhạc sĩ Nguyễn Đức, đến năm 1965 thì hát ở các đại nhạc hội và chương trình truyền hình. Khoảng thời gian của những năm cuối thập niên 1960, trên truyền hình, người mê nhạc thường được xem một cô ca sĩ hát giọng bắc nhỏ nhẹ, luôn mặc áo dài trắng nữ sinh. Năm 1970, Phương Hồng Hạnh mới bắt đầu bước vào thế giới phòng trà và vẫn lên bục, ra mắt khán giả trong những chiếc áo dài tha thướt, rất phù hợp với những bản nhạc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh mà nàng hay hát.
Phương Hồng Quế
Phương Hồng Quế - “Ti vi chi bảo”
Báo chí thời ấy thường gọi Phương Hồng Quế bằng biệt danh mỹ miều như: “Ti vi chi bảo” vì ngoài việc hát ở phòng trà Hội quán nghệ sĩ (Vũ Duy thực hiện) và phòng trà Nam Đô (Bảo Thu), nàng cũng thường xuyên xuất hiện trên ti vi.
Xuất môn cùng thời với các nàng Phương, Hồng Quế có lối ăn diện rất Tây song nét mặt cô lại ngây thơ, tạo cho Quế một vẻ “đàn bà trẻ con” đáng yêu. Quế thích hát những bài tình ca của Trường Sa và Văn Phụng. Phương Hồng Quế thành danh với bài Phố đêm khi chưa tròn 20 tuổi bằng một dịp may khi nhạc sĩ Tâm Anh vừa có nhạc phẩm này đang muốn các cô ca sĩ họ Phương trình bày trên sóng phát thanh và truyền hình ở Sài Gòn. Sau đó, Phương Hồng Quế còn trình bày thành công nhạc phẩm Chuyện tình không suy tư cũng do Tâm Anh sáng tác.
Mặc dầu vậy nàng cũng phải rất suy tư khi dính vào xì căng đan chuyện tình với ca sĩ Thanh Phong (ban Sao Băng cùng với Duy Mỹ, Phương Đại) là người đang đùm đề vợ con. Có lần, không biết đùa hay thật. Thanh Phong đã hăm dọa Phương Hồng Quế rằng sẽ bắn nàng nếu nàng phụ rẫy.
Theo Lê Văn Nghĩa/TNO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Những nàng ca sĩ tên Phương