Việc Bộ GD-ĐT thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2018-2019 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng và nhiều học sinh cuối cấp phải tăng tốc luyện thi dù thông báo chỉ cách ngày thi hơn 2 tháng.

Phụ huynh, học sinh chóng mặt khi các trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6

Hải Yến | 17/05/2018, 12:39

Việc Bộ GD-ĐT thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2018-2019 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng và nhiều học sinh cuối cấp phải tăng tốc luyện thi dù thông báo chỉ cách ngày thi hơn 2 tháng.

Theo thông tin mới nhất từ SởGD-ĐT về phương án tuyển sinh vào lớp 6 tại các trường THCS tại Hà Nội, một số trường có số học sinh đăng kývào trường nhiều hơn so với chỉ tiêu của trường sẽ được tổ chức xét tuyển qua hình thức kiểm tra, năng lực. Công văn mới nhất mà Sở GD-ĐT Hà Nội gửi tới các quận, huyện về việc tuyển sinh đầu cấp nhấn mạnh "Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh phải đảm bảo không gây áp lực thi cử cho các em, không tạo việc dạy thêm học thêm".

Mong muốn như vậy nhưng trên thực tế, tình trạng dạy thêm, học thêm, luyện thi vào lớp 6 đang diễn ra tràn lan tại nhiều nơi, khiến áp lực của kỳ thi càng trở nên nặng nề. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh bây giờ mới đăng kýcác khóa ôn thi cấp tốc cho con tại các lò luyện thi, gia tăng áp lực cho chính con cái mình.

Tại Cầu Giấy, chỉ cần điểm sơ qua vài địa điểm ôn thi đã thấy hàng loạt những trung tâm vừa mở ra đã chật kín thí sinh đăng ký học. Các lớp luyện thi môn Toán hay Tiếng Anh gần như tới thời điểm hiện tại đã không còn nhận thí sinh nữa.

Tại một trung tâm luyện thi trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội), trao đổi qua điện thoại, giáo viên tại đây cho biết hiện tại trung tâm chỉ có lớp Tiếng Anh và Tiếng Việt, nếu phụ huynh bây giờ mới đăng ký cho con em đi học thì chỉ có luyện thi chứ không ôn tập kiến thức nữa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, học phí ôn luyện thi từ 150.000 đồng tới 200.000 đồng/1 buổi. Có học sinh vừa kết thúc học tại trường đã theo bố mẹ tới trung tâm luyện thi và học 1 lúc 2 ca để tăng cường kiến thức, các em chỉ có 30 phút nghỉ ngơi chờ bố mẹ di chuyển từ trung tâm này tới trung tâm khác để luyện thi.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chị Quách Thị Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết con trai chị đang học lớp 5 trường tiểu học Nghĩa Tân, năm nay muốn cháu vào trường THCS Nguyễn Tất Thành hoặc THCS Cầu Giấy. Vì 2 trường này lại là 2 trường top đầu phải thi đánh giá năng lực nên chị đã cùng con rong ruổi đi tìm các trung tâm để luyện thi. "Tôi biết tin năm nay các con vào lớp 6 phải thi tuyển đầu vào cách đây gần 1 tháng, vì thế tôi tất bật đi tìm lớp ôn thi cho con nhưng khá vất vả vì các "lò" luyện cũng gần như kín chỗ. Một số trung tâm còn đảm bảo, nếu không đỗ hoàn lại 50% học phí, nhưng tôi vẫn chưa tin tưởng lắm. May nhờ bạn bè xin được cho cháu ôn tập tại 1 trung tâm của người quen, nên tôi đành bỏ hết việc lại đưa đón cháu đi ôn tập 2 môn là Tiếng Anh và Tiếng Việt. Hy vọng kỳ thi cháu hoàn thành được bài".

Anh Hà Văn (Trung Văn, Từ Liêm) cho biết nếu như Sở GD-ĐT thông báo sớm hơn thì các con có tâm lý sẵn sàng hơn và đặc biệt năm nay có hình thức thi tổ hợp khá mới mẻ khiến các con không chuẩn bị đủ kiến thức để thực hiện bài thi của mình. Đặc biệt đối với các học sinh thi hệ song bằng tại các trường tiêu chuẩn.

Học sinh Hà Nội gấp rút ôn thi vào lớp 6

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐTHà Nội cho biết, việc thi tuyển chỉ ảnh hưởng tới một tỷ lệ nhỏ học sinh có nhu cầu thi vào các trường top đầu, khoảng 3% số trường trong toàn thành phố. Mỗi trường lại có phương án kiểm tra, đánh giá năng lực riêng, tùy thuộc vào nhu cầu tuyển sinh của từng trường. Nếu không trúng tuyển vào các trường này, học sinh vẫn có thêm lựa chọn ở trường theo tuyến tuyển sinh.

Kỳ thi tuyển vào lớp 6 của các trường chất lượng cao, trường ngoài công lập ở Hà Nội đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 mới diễn ra. Khi đó cả giáo viên và học sinh các trường mới có câu trả lời về việc cần hay không cần phải ôn luyện đánh giá năng lực để tham gia kỳ thi. Nhưng rõ ràng, ở thời điểm này, rất nhiều học sinh lớp 5 tại Hà Nội đã và đang vào guồng tăng tốc luyện thi.

Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy cho biết, bà rất ủng hộ đề xuất của Bộ về phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra và đánh giá năng lực học sinh. Trước đây, khi Bộ “cấm” thi tuyển, chỉ cho sử dụng phương án xét tuyển đầu cấp thì những trường có đặc thù nhưtrường THCS Cầu Giấy có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đầu vào cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trướng nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cũng theo bà Kim Anh, khi “cấm thi” các trường THCS buộc phải căn cứ vào học bạ và điểm nổi trội thông qua bằng khen, giấy khen các cuộc thi mà thí sinh đã tham gia.

Vì vậy, bà Kim Anh cũng đánh giá, sau 3 năm thực hiện Thông tư số 11/2014 của Bộ GD-ĐT về việc tuyển sinh bậc THCS đã bộc lộ nhiều bất cập, nay Bộ đã sửa đổi cho các trường được tổ chức khảo sát và đánh giá năng lực của học sinh là rất phù hợp.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ huynh, học sinh chóng mặt khi các trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6