Tỉnh Phú Yên vừa cho phép một số doanh nghiệp khai thác cát nhiễm mặn trên địa bàn thành phố Tuy Hòa để làm vật liệu xây dựng thông thường.
Theo đó, Tổng Công ty Thành Trung - CTCP được phép khai thác cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn tại phường 6 và phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa.
Diện tích khu vực doanh nghiệp được phép khai thác hơn 2,6 ha, mức sâu khai thác từ cao trình +4m đến +0,0m. Trữ lượng khai thác 84.000m3 cát nguyên khai. Công suất được phép khai thác 84.000m3 cát nguyên khai/năm.
Tại thành phố Tuy Hòa, Công ty NDMREAL được cấp phép khai thác cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, tổng hợp tại lô đất ký hiệu B4, đường Độc Lập, phường 9. Trữ lượng cát được phép khai thác là 8.000m3 cát nguyên khai, công suất được phép khai thác 4.000m3/tháng.
Diện tích khu vực khai thác hơn 5 ha, mức sâu khai thác từ cao trình +8m đến +7m. Phương pháp khai thác lộ thiên, sử dụng máy xúc thủy lực để xúc cát trực tiếp đổ lên phương tiện vận chuyển. Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (G) 68.000 đồng/m3.
Khi cấp giấy phép, tỉnh Phú Yên yêu cầu các doanh nghiệp này phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khu vực dự án; các quy định về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp phải thu hồi tối đa sản phẩm cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng thông thường…
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang có nhiều công trình xây dựng, giao thông triển khai thi công, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông dài hơn 90,2km. Không chỉ Phú Yên, nhu cầu sử dụng cát, đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường hiện nay rất lớn.
Trước đó, để giải quyết bài toán thiếu vật liệu xây dựng, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên - Môi trường (Bộ TN-MT) thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”. Bộ TN-MT giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị chủ trì Dự án và Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển và các đơn vị thuộc Tổng cục là đơn vị thực hiện.
Nghiên cứu của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho thấy, vùng biển từ 0 - 100m ở nước ta có tiềm năng lớn về khoáng sản vật liệu xây dựng. 30 vùng triển vọng được xác định với tổng tài nguyên dự báo gần 150 tỉ m3, trong đó, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Phú Quốc - Hà Tiên, Hải Phòng - Quảng Ninh… là những địa phương được đánh giá có thể quy hoạch để thăm dò khai thác cát làm vật liệu xây dựng và san lấp.
Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là nơi có trữ lượng lớn cát biển lên đến hàng tỉ mét khối, đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam 2006 về nguyên liệu làm vật liệu xây dựng và san lấp. Tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành khai thác và sử dụng thử nghiệm 3.000m3 cát biển để làm nền đường, bước đầu đạt kết quả tốt.
Dự kiến trong tháng 6 tới, các địa phương có tuyến Vành đai 3 TP.HCM (dài 76km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An) sẽ khởi công. Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, 76km đường của dự án sẽ cần tới hơn 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; hơn 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng...
Tuy nhiên, nguồn cát phục vụ cho dự án này đang thiếu trầm trọng, hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu (tỉnh Bình Dương cam kết cung ứng 30%, tỉnh Đồng Nai cung ứng 40%). Số còn lại dự kiến khai thác chủ yếu tại sông ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long.