Lỗ hơn 400 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu giảm 30%, nợ hơn 3.200 tỉ đồng... song chưa hẳn chỉ có vậy. PVC vẫn lo ngại tiềm ẩn rủi ro thua lỗ, khó trả nợ trong năm nay, thậm chí là các năm tiếp theo.

PVC lo khó trả 3.200 tỉ đồng nợ, rủi ro thua lỗ kéo dài

tuyetnhung | 26/04/2018, 14:10

Lỗ hơn 400 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu giảm 30%, nợ hơn 3.200 tỉ đồng... song chưa hẳn chỉ có vậy. PVC vẫn lo ngại tiềm ẩn rủi ro thua lỗ, khó trả nợ trong năm nay, thậm chí là các năm tiếp theo.

Kinh doanh lao dốc, vốn chủ sở hữu giảm mạnh

Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã chứng khoán PVX) mới đây đã công bố báo cáo thường niên năm 2017 với "bức tranh" hoạt động sản xuất kinh doanh không mấy khả quan.

Cụ thể, doanh thu toàn tổ hợp lao dốc mạnh năm 2017 khi chỉ đạt 3.899 tỉ đồng, đạt 11% kế hoạch năm, bằng 42% năm 2016. Toàn tổ hợp lỗ trước thuế 415,26 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 367 tỉ đồng; lỗ sau thuế hợp nhất 416,32 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 365,9 tỉ đồng.

Vốn chủ sở hữu công ty mẹ PVC tại thời điểm ngày 31.12.2017 là 824,05 tỉ đồng, giảm mạnh 30% so với vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31.12.2016. Lỗ lũy kế công ty mẹ đến hết năm 2017 là 3.253 tỉ đồng.

Báo cáo của PVC cũng cho biết đối với các khoản vay vốn ủy thác của tập đoàn, tính đến 31.12.2017 đã hết thời gian gia hạn trả nợ tập đoàn, tuy nhiên mới chỉ có Petroland thu xếp trả một phần gốc của khoản vay với số tiền là 30 tỉ đồng. Số dư vay ủy thác phải trả tập đoàn tại thời điểm này là 925,03 tỉ đồng, trong đó dư nợ của các đơn vị là 534,74 tỉ đồng. Tổng chi phí trích lập dự phòng cho khoản nợ vay ủy thác của PVC đến hết năm 2017 là 301,98 tỉ đồng.

Trong quý 1/2018, sau khi trừ các khoản đã thu qua việc chuyển nhượng, số dư các đơn vị của PVC sử dụng vốn vay ủy thác là 469,07 tỉ đồng. Lũy kế đến hết quỹ hết quý đầu năm nay thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản vay vốn ủy thác là 279,70 tỉ đồng. Đối với khoản bảo lãnh vay vốn, tại thời điểm 31.12.2017, dư nợ bảo lãnh của Tổng công ty là 237,86 tỉ đồng, PVC đã thực hiện trích lập dự phòng 137,94 tỉ đồng.

Sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ khiến PVC trong năm qua không thể đầu tư vốn ra ngoài. Trong khi đó, Tổng công ty đã thoái toàn bộ vốn góp tại PVSD thu về 30 tỉ đồng và bán bớt 700 cổ phần tại PVC - ID. Đến cuối năm 2017, công ty mẹ PVC có vốn góp tại 30 đơn vị với giá trị đầu tư lên tới gần 3.150 tỉ đồng, nhưng cổ tức thu về trong năm 2017 lại chỉ ở mức 41,5 tỉ đồng, chủ yếu là cổ tức từ PVC-MS (gần 40 tỉ đồng).

Thu nhập bình quân năm 2017 của lao động định biên toàn tổng công ty này ở mức 9,85 triệu đồng/người/tháng, bằng 97% kế hoạch năm. Trong đó, lao động tại công ty mẹ đạt mức thu nhập bình quân 11,96 triệu đồng/người/tháng, bằng 98% kế hoạch năm.

Chỉ ra những khó khăn khiến công ty kinh doanh bết bát, PVC cho biết do trong năm 2017, cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dừng thực hiện Nghị quyết 233/NQ-ĐU về việc "phát huy nội lực và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên tập đoàn", công tác tìm kiếm nguồn công việc mới trong ngành của tổng công ty phải tuân theo các quy định của luật Đấu thầu. Đây được cho là một trong những khó khăn lớn mà PVC phải chấp nhận trong năm qua.

Nhiều đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện tham dự thầu nhiều công trình, nguồn việc phụ thuộc chủ yếu vào công ty mẹ giao. Đặc biệt, PVC và các đơn vị phải đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng để triển khai, thu xếp vốn cho các dự án.

Bên cạnh đó, việc nhiều vịlãnh đạo công ty bị khởi tố, điều tra cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong việc tiếp thị, tìm kiếm nguồn công việc mới...

Năm 2018: Rủi ro tiếp tục lỗ, khó trả nợ

Trước tình hình kinh doanh và tài chính không mấy khả quan năm 2017, năm 2018PVC tiếp tục chỉ ra một số rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của công ty. Cụ thể là tình hình tài chính khó khăn khiến PVC gặp trở ngại trong việc thu xếp dòng tiền để trả nợ vay ủy thác PVN; phát sinh chi phí tại hàng loạt dự án thua lỗ; tiếp tục phải thực hiện bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị; tiềm ẩn rủi ro thua lỗ từ các khoản đầu tư tài chính khi thoái vốn theo yêu cầu về tái cơ cấu; rủi ro trong việc phải thực hiện trích lập dự phòng với những khoản công nợ không được xử lý và các khoản công nợ khác dự kiến sẽ quá hạn trong năm 2018 và các năm tiếp theo...

Trước thực trạng trên, PVC dự kiến năm 2018 giảm mạnh giá trị sản xuất kinh doanh xuống còn 3.100 tỉ đồng từ mức 4.355 tỉ đồng (năm 2017). Tổng doanh thu khoảng 3.800 tỉ đồng, trong đó chủ yếu đến từ công ty mẹ.

Theo thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ ngày 24.4.2018, cổ phiếu PVX của PVC chính thức bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ PVC trong năm 2016 và năm 2017 (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán) tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 là số âm. Theo đó, cổ phiếu PVC sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hằng tuần.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PVC lo khó trả 3.200 tỉ đồng nợ, rủi ro thua lỗ kéo dài