Vì tội ác kinh dị của mình, đã có thời gian dài cái tên Phạm Văn Tuyển (1960) là nỗi ám ảnh rợn người của người dân xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Quả báo dai dẳng cho người quật mộ ,đốt xác bà lão vô tội

Một Thế Giới | 25/04/2015, 10:12

Vì tội ác kinh dị của mình, đã có thời gian dài cái tên Phạm Văn Tuyển (1960) là nỗi ám ảnh rợn người của người dân xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Theo đó, đang đêm Tuyển đã ra nghĩa địa để quật mộ, rồi đốt thi thể của một bà lão mới mất hôm trước chỉ bởi có mâu thuẫn với con trai của người nằm dưới mộ. Sau việc làm kinh hãi đó, Tuyển bị bắt đi tù và đến giờ vẫn còn sống trong day dứt. Người đàn ông này bảo, những đau thương mà gia đình ông ta vướng phải chính là quả báo rõ ràng nhất cho tội ác kinh hãi năm nào.
Đòn thù kinh dị

Sự việc xảy ra đã hơn 30 năm, nhưng với nhiều người dân ở xã cẩm Chế vẫn là câu chuyện vẹn nguyên trong ký ức. Đận ấy, vào một ngày cuối tháng 10/1983 (âm lịch - PV), người mẹ của ông Chủ tịch xã Cẩm Chế đương nhiệm qua đời. Để báo hiếu, các con bà lão mua gỗ tốt đóng cho cụ một chiếc quan tài đẹp đẽ để chôn cất.

Bà lão được an táng vào chiều hôm trước, đến sáng hôm sau người nhà cẩn thận ra mộ để đắp thêm những vỡ cỏ. Vừa ra tới nơi, con cháu người đã khuất đau đớn đến uất nghẹn. Trước mắt họ, phần mộ ngổn ngang bùn đất, nắp quan tài đã bị đập vỡ. Mùi dầu hỏa khét nồng vảng vất. Trên thi thể lão bà có trấu cháy nham nhở. Chứng kiến cảnh ấy, con cháu bà lão gào thét đau xót kinh hoàng.

Sự việc nghiêm trọng chưa từng có xảy ra ở miền quê yên bình, làm náo động dư luận địa phương, ai cũng sôi sục căm phẫn. Những người dưng với gia đình nạn nhân cũng cảm thương, phẫn nộ nguyền rủa kẻ đã làm cái việc mà không ai có thể dung thứ ấy. Cơ quan công an tỉnh vào cuộc điều tra gắt gao, hàng chục đối tượng có vấn đề ở địa phương được mời lên xét hỏi, nhưng không kết quả. Khi quá trình điều tra rơi vào bế tắc, một manh mối hé lộ qua lời kể của ông chủ tịch xã. Theo đó, ông này có hiềm khích với một người đàn ông chăn vịt. Và từ lời kể này, kẻ thực hiện hành vi không thể tưởng tượng ấy đã lộ dạng, đó là Phạm Văn Tuyển, người kiếm sống bằng nghề chăn vịt ở thôn.

Và rồi, khi cơ quan công an làm rõ vụ việc thì mọi người lại được một phen bàng hoàng, bời chẳng ai có thể nghĩ chỉ vì mâu thuân chẳng đâu vào đâu đó mà Tuyển lại ra tay làm chuyện thất đức đến vậy. Theo đó, do chăn nuôi vịt lại thường xuyên lơ là để vịt phá hoại hoa màu của bà con, hành vi của ông Tuyển bị chính quyền địa phương nhắc nhở nhiều lần. Do đối tượng không chịu sửa, vị chủ tịch xã họp ban lãnh đạo xã thống nhất, cử dân quân theo dõi, hễ thấy đàn vịt nhà ông Tuyển phá hoa màu ở đâu là được quyền... đập chết. Từ đó, ông Tuyển đem lòng thù tức vị chủ tịch xã, nung nấu ý định trả thù.

Gặp dịp người mẹ của chủ tịch xã mới qua đời, ông Tuyển liền nảy sinh ý định quật mộ, đốt xác bà lão cho hả giận. Ngôi mộ được chôn buổi chiều, thì đêm đến ông Tuyển đã mang theo xẻng, trấu, dầu hỏa, búa chim tìm tới đào mộ. Ông ta bổ vỡ một góc ván thiên, cho trấu lên một phần thi thể, chất rạ, tẩm dầu vào đốt. Thực hiện xong tội ác, ông ta đem các vật chứng về ao nhà phi tang, rồi đi ngủ.

Ngày ấy, đòn thù kinh dị của ông Tuyển khiến người dân kinh sợ đến rợn người. Không ít người hiếu kỳ ở các xã lân cận cũng tìm đến xã Cẩm Chế để tìm hiểu về lai lịch của kẻ ác nhân.

Gia đình đổ vỡ

Trước khi gây tội ác kinh hoàng, ông Tuyển từng có một gia đình hạnh phúc. Thậm chí gia đình ông ta được ví như gia định kiệu mẫu, được ngưỡng mộ trong mắt nhiều người địa phương.

Thời trẻ, Tuyển vốn khôi ngô sáng dạ, học hết lớp 10 (bậc phổ thông trung học thời bây giờ - PV), Tuyển đi học trung học ngành hàng hải. Năm 1974, tốt nghiệp xong, Tuyển vào Nam công tác. Những lần về thăm quê, Tuyển thương thầm rồi tán tỉnh cô y sĩ cùng xã. Sau đó, hai người nên duyên vợ chồng và sinh được hai con trai. Tuy nhiên, năm 1982, sóng gió bắt đầu nổi lên từ việc ông Tuyển bị kỷ luật buộc thôi việc, phải khăn gói về quê.

Nguyên do khiến ông Tuyển bị thôi việc là chuyện hủ hóa, quan hệ bất chính với người phụ nữ khác. Tuy nhiên, thương chông, vợ ông Tuyển vẫn bỏ qua để giữ mái ấm gia đình, về quê, ông Tuyển lấy nghề nuôi vịt làm kế sinh nhai, còn người vợ vẫn công tác ở bệnh viện.

Với việc làm thất đức khó tha thứ trên, ông Tuyển bị tuyên xử 30 tháng tù giam. Những ngày Tuyển ở trong tù, người vợ vẫn son sắt, bao dung. Vậy nhưng, ngày mãn hạn tù, vì ghen tuông, Tuyển lại nằng nặc bắt vợ phải nghỉ việc ở bệnh viện để về nhà cùng ông ta chăn vịt. Bởi yêu sách quái đản này mà mối quan hệ vợ chồng của Tuyển rạn nứt. Đến một ngày, không chịu nổi người chồng phi lý, vợ ông Tuyển đã đâm đơn ly hôn, bắt đầu một cuộc sống mới.

Ngày ly hôn, vợ ông Tuyển được tòa phân xử được quyền nuôi người con út. Còn người con trai cả thì ông Tuyển được quyền nuôi dưỡng. Chừng 2 năm sau, ông Tuyển lấy vợ hai. Cuộc sống khó khăn, người con trai cả của ông Tuyển sống lay lắt, khi ở cùng cha, lúc lại về nương nhờ bà ngoại. Do không được sát sao giáo dục nên đứa con này bỏ nhà đi bụi rồi dính nghiện ma túy.

Năm 2006, T, con trai cả của ông Tuyển, dặt dẹo tơi tả bởi đói thuốc đã cùng quẫn trở về nhà đòi cha trả lại 1,5 sào ruộng quyền lợi của mình. Mâu thuẫn nảy sinh, ông Tuyển trói con trai cả lại. Lúc này, bực tức, T. chửi bới liên hồi. Chứng kiến cảnh đó, người em cùng cha khác mẹ của T. (con bà hai - PV) nổi nóng cầm dao dựa chạy tới chặt ngang bàn chân của người anh. Hậu quả là một phần chân của T. bị đứt lìa. Lại gây tội ác, ông Tuyển bị tuyên án 9 tháng tù giam về tội “Bắt giữ người trái phép”. Người con trai của ông Tuyển với bà hai cũng bị án tù vì hành vi “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, uất hận trước sự vô tình, độc ác của người cha, T. mang thương tật bỏ đi biệt xứ...

Trở lại thời điểm ông Tuyển với bà vợ cả ly hôn, dù ra tòa ly hôn nhưng ngày đó, trong thâm tâm bà vợ này vẫn có chút tình nghĩa dành cho ông Tuyển. Nhưng hành vi vô tình, độc ác của ông ta thực hiện với ngay cả con đẻ của mình khiến bà S. quyết tâm đoạn tuyệt, không còn muốn nhắc đến tên người đàn ông ấy nữa.

Sống trong dằn vặt

Hơn 30 năm kể từ ngày Phạm Văn Tuyển gây tội ác kinh hoàng, chúng tôi có dịp gặp người đàn ông chăn vịt năm xưa. Trò chuyện trong ngôi nhà hoang vắng, ông Tuyển cho biết: “Sự việc đã qua hơn 30 năm rồi. Sau khi tôi tù tội trả giá cho hành vi của mình, gia đình tôi gặp nhiều biến cố, bị dân làng xa lánh, nhiều lúc suy nghĩ lại tôi ân hận lắm. Chỉ vì nóng giận nhất thời, tôi làm ra việc táng tận lương tâm, bị người ta phỉ báng. Thực sự ban đầu, ngày đó tôi chỉ nghĩ tôi bị xã dồn ép quá, người ta đập chết vịt của tôi nhiều lần nên tôi tức giận mà làm vậy thôi. Không ngờ tôi sai lầm và phải trả giá rất đắt...”, ông Tuyển nói.

Ông tâm sự, cuộc đời ông tiếp nối nhiều sai lầm. Không chỉ gây tội ác kinh dị trên, ông còn có những hành vi không phải với người vợ cả và con trai cả khiến gia đình tan nát, tình cảm cha con mất mát không thể cứu vãn. Khuôn mặt đăm chiêu, ông Tuyển bảo: “Việc làm của tôi thực sự quá tàn nhẫn, người dân ở đây vẫn truyền nhau câu chuyện quật mộ, đốt xác đến giờ. Dù tôi đã phải ngồi tù trả giá nhưng sai lầm vẫn để lại hậu quả. Sau khi ra tù, dù cố gắng hòa đồng với bà con, nhưng tôi luôn thấy dằn vặt, sống khép mình từ bấy đến nay. Việc làm của tôi không chỉ khiến tôi trả giá, mà còn làm họ hàng bị ảnh hưởng".

Như lời ông Tuyển kể, cách đây không lâu, người cháu họ của ông Tuyển đem lòng yêu thương một cô thôn nữ cùng làng. Mặc dù đôi lứa yêu thương tha thiết, nhưng biết chuyện chàng trai là họ hàng với ông Tuyển, nhà cô gái nhất mực phản đối mối quan hệ của hai người. Điều đó như trái đắng khiến ông Tuyển thêm day dứt về tội ác một thời gây kinh hoàng dư luận...

Trong quá trình trò chuyện, ông Tuyển buồn rầu, thỉnh thoảng lại đưa mắt ra xa ưu tư thở dài não nề. Ông bảo, việc ông làm đã nhận được quả báo tức thì, giờ ân hận thì cũng đã quá muộn bởi tội lỗi trên vẫn dằn vặt ông mỗi ngày. “Tôi sẽ cố gắng sống tốt trong phần đời còn lại để có chút thanh thản cuối đời", ông Tuyển chia sẻ.

An An

Theo Chuyện đời

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quả báo dai dẳng cho người quật mộ ,đốt xác bà lão vô tội