Ngay sau khi Mỹ quyết ngưng cấp visa phi định cư cho công dân Nga, ngày 21.8, các quan chức Nga ám chỉ Mỹ âm mưu kích động dân Nga thực hiện cách mạng màu để ‘thay đổi chế độ’ Nga.
Ông Andrei Klimov, chủ nhiệm ủy ban chủ quyền lãnh thổ thuộc Thượng viện Nga, nói với hãng tin Interfax: “Nếu họ vi phạm quyền công dân của nước ta, thì cần có biện pháp trả đũa chống lại công dân Mỹ”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng Nga sẽ “không trút giận lên công dân Mỹ”.
Tuy nhiên, ông Lavrov nói biện pháp của Mỹ nhằm kích động dân Nga: “Ấn tượng đầu tiên là những tác giả của quyết định này muốn kích động sự bất mãn của công dân Nga đối với các hoạt động của chính quyền Nga.Nếu ai đó hy vọng ví dụ ngu ngốc này sẽ thì họ đã tính toán sai. Đấy là một lý lẽ quen thuộc, lý lẽ của người tổ chức những cuộc cách mạng màu”.
Đây là phản ứng mới nhất của Nga, sau khi Sứ quán Mỹ tại Moscow hôm 21.8 tuyên bố sẽ tạm ngưng thủ tục cấp visa phi định cư cho công dân Nga kể từ ngày 23.8. Hoạt động này sẽ nối lại từ ngày 1.9 ở Sứ quán Mỹ Moscow, trong khi sẽ ngưng vô thời hạn ở các lãnh sự quán Mỹ tại 3 thành phố St Petersburg, Vladivostok và Yekaterinburg.
Đối với công dân Nga muốn đến Mỹ, tuyên bố này sẽ khiến họ phải chờ nhiều tháng mới có thể được cấp visa, và việc lấy visa đều phải nộp đơn gởi đến Sứ quán Mỹ tại Moscow.
Phía Mỹ cho biết sẽ hủy hàng loạt cuộc hẹn phỏng vấn thị thực phi định cư, cảnh báo việc cấp thị thực định cư cũng có thể bị ảnh hưởng.
Sứ quán Mỹ giải thích họ không đủ người để phỏng vấn,phải giảm nhân viên từ ngày 1.9, theo yêu cầu của Nga.
Phía Mỹ cho biết sẽ duy trì việc hạn chế cấp thị thực, cho đến khi nào vẫn bị giới hạn về nhân sự. Theo Sứ quán Mỹ, quyết định của Nga trong việc cắt giảm sự hiện diện ngoại giao của Mỹ đặt ra câu hỏi về sự nghiêm túc của Nga trong việc theo cải thiện các mối quan hệ.
Đây là diễn biến mới nhất trong loạt động thái ăn miếng trả miếng giữa Nga và Mỹ thời gian qua. Ngày 28.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Mỹ giảm số nhân viên ngoại giao xuống còn 455 người, tương đương cắt giảm 60%, sau khi Mỹ thông qua đạo luật siết chặt trừng phạt Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký phê duyệt luật cấm vận Nga vào ngày 2.8.
Động thái đáp trả của Nga cũng tương tự việc chính phủ Mỹ thời Tổng thống Barack Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga hồi cuối năm 2016, với lý do Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Các quan chức Nga từng nói sẽ có những biện pháp, nếu Sứ quán Mỹ tại Moscow tính chuyện làm rối loạn hoạt động lãnh sự.
Ngày 21.8, các quan chức Nga đều nói Moscow sẽ kềm chế, không phản ứng. Họ nói quyết định của Mỹ là hậu quả đấu đá chính trị ở Washington, nhưng Moscow phải bảo vệ quyền lợi của công dân Nga.
Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov nói với Interfax: “Nga đang xung đột với các thế lực trừng phạt Nga. Họ muốn đối đầu với nước ta, nhưng chúng ta sẽ không xung đột với xã hội Mỹ. Người Mỹ muốn thăm Nga sẽ có cơ hội”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov nói: “Người Mỹ đang cố gắng thúc đẩy công dân Nga chống lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga và chính quyền Nga, nhưng hành động của Mỹ có nghĩa người dân không thể thoải mái du lịch đến Mỹ”.
Trung Trực (theo Moscow Times)