Theo tờ Politico (Mỹ), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Washington theo chủ nghĩa bảo hộ và đe dọa tăng cường khả năng phòng thủ của EU.

Quan hệ giữa Mỹ và EU ngày càng ‘rạn nứt’ vì cuộc xung đột tại Ukraine?

Hoàng Vũ | 20/10/2022, 14:10

Theo tờ Politico (Mỹ), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Washington theo chủ nghĩa bảo hộ và đe dọa tăng cường khả năng phòng thủ của EU.

Có vẻ như căng thẳng giữa Brussels và Washington đang hạ nhiệt dưới thời của Tổng thống Joe Biden khi cùng nhau đối đầu với các mối đe dọa như Nga và Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ năm ngoái đã đình chiến về mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng vào thép và nhôm của châu Âu. Trong năm nay, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến Mỹ và châu Âu cần phải thể hiện một mặt trận thống nhất, ít nhất là về mặt chính trị.

Tuy nhiên, các vết nứt hiện đang bắt đầu xuất hiện trở lại. EU tức giận khi Mỹ rót trợ cấp cho ngành sản xuất ô tô điện trong nước, cáo buộc Washington theo chủ nghĩa bảo hộ. Châu Âu hiện đang đe dọa xây dựng các biện pháp phòng thủ của riêng mình.

Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dẫn đầu các quốc gia EU phản đối Mỹ. “Người Mỹ đang theo đuổi một chiến lược viện trợ nhà nước rất tích cực. Người Trung Quốc đang đóng cửa thị trường của họ”, Macron nói với nhật báo Pháp Les Echos.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng kêu gọi Brussels đưa ra các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng và khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mua ô tô điện được sản xuất tại EU, thay vì ô tô từ bên ngoài khối.

Cuộc chiến tại Ukraine đã gây ra một cú sốc lớn về thương mại, với chi phí năng lượng ngày càng tăng cao, đẩy EU vào mức thâm hụt thương mại toàn khối lên tới 65 tỉ euro vào tháng 8, so với mức chỉ 7 tỉ euro một năm trước đó. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ để thay thế cho nguồn cung bị mất từ Nga đã làm bùng phát căng thẳng.

Những bình luận của Tổng thống Pháp Macron phản ánh sự phản đối của EU đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Washington - đạo luật khuyến khích người tiêu dùng Mỹ sử dụng “ô tô điện Mỹ”. EU lập luận rằng quyết định này được coi là “phân biệt đối xử” với EU và các đối tác thương mại khác.

Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng sẽ thuyết phục được Washington tìm ra một thỏa hiệp ngoại giao cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu và các nhà cung cấp của họ. Nếu không, điều đó sẽ khiến EU không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thách thức Washington tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - một động thái có thể kích hoạt cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương, các quan chức và nhà ngoại giao EU nói với Politico.

Bà Elvire Fabry, một chuyên gia về chính sách thương mại tại Viện Jacques Delors ở Paris, cho rằng bình luận của Tổng thống Pháp “rõ ràng là một phản ứng chống lại Đạo luật Giảm lạm phát của Washington”. “Ông Macron hiện đóng vai trò thúc ép Washington về chính trị để thực hiện các điều chỉnh có lợi cho châu Âu”, bà nói.

Pháp có truyền thống là quốc gia thẳng thắn nhất của khối khi đối đầu với Washington trên một loạt các hồ sơ thương mại. Chẳng hạn, Paris đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hủy bỏ một hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ vốn gây ra cuộc chiến thương mại với chính quyền của cựu Tổng thống Trump.

Gần đây, trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng luân phiên của EU, Paris đã tập trung vào các biện pháp phòng vệ thương mại, điều này sẽ mang lại cho Brussels sức mạnh để trả đũa các biện pháp thương mại đơn phương, bao gồm cả từ Mỹ.

Căng thẳng mới với Mỹ là tin xấu cho cuộc họp sắp tới của Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ - EU vào đầu tháng 12. Cuộc họp cho đến nay vẫn đang bị trì hoãn bởi nhiều lý do chính trị.

Theo chuyên gia Fabry, Pháp sẽ không bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến thương mại có thể xảy ra đối với Mỹ. Những căng thẳng này sẽ kéo Pháp và Đức xích lại gần nhau hơn, vì ngành công nghiệp xe hơi của Đức cũng bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các biện pháp kích cầu ô tô điện của Mỹ.

Bên cạnh đó, còn có những lĩnh vực khác ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - EU. Thực tế là châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Mỹ đã đẩy sự bất mãn của EU lên cấp độ tiếp theo.

Mặc dù giá nhập khẩu khí đốt trong tháng 9 đã giảm so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8, nhưng chúng vẫn cao hơn 2,5 lần so với một năm trước. Và, tính đến khối lượng mua tăng, hóa đơn nhập khẩu Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Pháp đã nhân hơn 10 lần vào tháng 8, so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire Pháp tuần trước cảnh báo rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine không nên dẫn đến “sự thống trị kinh tế của Mỹ và sự suy yếu của châu Âu”. Ông Le Maire chỉ trích việc Mỹ bán LNG cho châu Âu "với giá gấp 4 lần giá mà Mỹ bán cho các doanh nghiệp trong nước", đồng thời kêu gọi Brussels hành động vì "mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn".

Ông Bernard Spitz, người đứng đầu phụ trách các vấn đề quốc tế và châu Âu tại liên đoàn sử dụng lao động Pháp Medef, cho biết: “Mỹ có một số lợi ích kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine và ít chịu hậu quả kinh tế hơn châu Âu”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ giữa Mỹ và EU ngày càng ‘rạn nứt’ vì cuộc xung đột tại Ukraine?