Với tinh thần chiến đấu quên mình, quân Lam Sơn đã tạo nên một trận đánh huyền thoại. Các tướng Lam Sơn là Lý Triện, Lê Hướng, Lê Lĩnh, Lê Hào, Phạm Vấn… dẫn quân xông ra phá vòng vây, tướng sĩ người người tranh nhau tiến lên trước, thế mạnh như bão táp. Tham tướng nước Minh là Phùng Quý bị chém chết tại trận, cùng với hơn 1.000 quân Minh bỏ mạng trong chốc lát, 100 con ngựa chiến rơi vào tay nghĩa quân Lam Sơn.

Quân Minh - Ai Lao tạo gọng kìm, Lê Lợi mở con đường máu

27/06/2017, 20:07

Với tinh thần chiến đấu quên mình, quân Lam Sơn đã tạo nên một trận đánh huyền thoại. Các tướng Lam Sơn là Lý Triện, Lê Hướng, Lê Lĩnh, Lê Hào, Phạm Vấn… dẫn quân xông ra phá vòng vây, tướng sĩ người người tranh nhau tiến lên trước, thế mạnh như bão táp. Tham tướng nước Minh là Phùng Quý bị chém chết tại trận, cùng với hơn 1.000 quân Minh bỏ mạng trong chốc lát, 100 con ngựa chiến rơi vào tay nghĩa quân Lam Sơn.

Kỳ 1: Âm mưu thâm hiểm của nhà Minh sau khi tiêu diệt nhà Hậu Trần

Kỳ 2: Lam Sơn tụ nghĩa, rồng cuộn chờ thời​

Kỳ 3: Lê Lợi cảm khái tiễn anh hùng, Lê Lai cưỡi ngựa thề huyết chiến​

Kỳ 4: Ai Lao viện trợ vũ khí, Lê Lợi hồi sức chống giặc Minh

Kỳ 5: Lê Lợi giăng thiên la địa võng, đại phá 10 vạn quân Minh​

Kỳ 6: Lê Lợi đánh bại tướng Trần Trí, trừng phạt quân Ai Lao​

Việc Ai Lao trở giáo theo quân Minh là một mối nguy rất lớn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Mặc dù trong năm 1421, quân ta liên tục đánh bại quân Minh và quân Ai Lao nhưng cũng chịu tổn thất không nhỏ. Thời điểm bấy giờ cả ta và địch đều cần thời gian nghỉ ngơi, bổ sung lại lực lượng. Năm 1422, Lê Lợi thu quân từ Ai Lao về đóng ở trại Quan Du để giữ thế kìm tỏa quân Minh trong thành Tây Đô, đồng thời tích cực dưỡng quân tích lương, chuẩn bị cho những chiến dịch lớn.

Về phía địch, cả quân Ai Lao và quân Minh cũng đều tranh thủ gom quân thành lập các mũi tấn công mới. Tháng 3.1422, thành phần tướng lĩnh quân Minh ở nước ta có thay đổi. Tổng binh Lý Bân chết. Tham tướng Trần Trí lên thay Bân giữ chức Tổng binh, nắm quyền cao nhất trong lực lượng quân Minh tại Đại Việt. Bằng việc nắm giữ nguồn tài lực dồi dào hơn quân Lam Sơn rất nhiều, quân Minh và quân Ai Lao đều có sự phục hồi sức mạnh nhanh. Đến cuối năm 1422, liên quân Minh – Ai Lao bắt đầu lập kế hoạch tấn công mới. Từ Đông Quan, các tướng Minh là Trần Trí, Mã Kỳ đem đại quân xuống Thanh Hóa, nhằm hướng trại Quan Du là nơi Lê Lợi đóng đại doanh. Ai Lao cũng đem lực lượng tiến đóng ở Kiệt Mang, chờ phối hợp với quân Minh tấn công quân Lam Sơn từ hướng tây nam. Quân Minh có chiến kỵ mạnh, quân Ai Lao có tượng binh mạnh, tạo thành thế 2 gọng kìm kẹp quân Lam Sơn vào giữa. Địch đã đông lại đánh quân ta từ cả hai phía trước sau, thế rất hung hiểm.

Trước tình hình đó, Lê Lợi quyết định sai tướng Nguyễn Chích dẫn quân đánh vào cánh quân Ai Lao trước khi quân Minh kịp tới để phá thế gọng kìm. Nguyễn Chích trước kia dựng căn cứ Hoàng Nghiêu, phất cờ khởi nghĩa từ những năm 1413, cũng là một thế lực nghĩa quân có tiếng trong vùng Thanh Hóa. Nhiều lần quân Minh đem quân tiến đánh, Nguyễn Chích vẫn cùng đội quân của mình đứng vững, giữ quyền kiểm soát ba huyện Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn. Sau khi Lê Lợi xưng vương, khởi nghĩa đánh quân Minh, lập được nhiều chiến công, Nguyễn Chích cảm phục dẫn quân mình đến xin gia nhập. Sự tham gia của Nguyễn Chích thể hiện tinh thần đoàn kết vì lợi ích chung.

Được Lê Lợi giao trọng trách đánh quân Ai Lao, Nguyễn Chích hết lòng chiến đấu. Quân Ai Lao đánh với Nguyễn Chích không chống nổi phải rút lui, nhưng chúng vẫn còn lực lượng khá đông. Chỉ 3 ngày sau, quân Minh lại cùng quân Ai Lao hai mặt cùng tiến đánh Quan Du. Nghĩa quân Lam Sơn cũng chia quân làm 2 mặt đánh trả lại. Trận chiến diễn ra ác liệt và dai dẳng, quân ta chết và bị thương nhiều. Lê Lợi nhận thấy tình hình bất lợi, muốn dẫn quân rút lui. Nhưng lúc này quân Ai Lao đã chắn mất lối đi về căn cứ địa, còn quân Minh thì bủa vây trước mặt. Lê Lợi nhân đêm tối đem quân lặng lẽ bỏ trại rút lui về hướng bắc, kéo đến đóng ở Khôi Huyện (thuộc Nho Quan, Ninh Bình ngày nay). Việc quân Lam Sơn lui về hướng bắc khiến cho quân Minh và quân Ai Lao không lường được, cho nên quân ta có thời gian thoát khỏi vòng vây. Nhưng chẳng lâu sau, liên quân Minh – Ai Lao đã phát hiện ra và nhanh chóng đuổi theo.

Nghĩa quân Lam Sơn đóng ở Khôi Huyện dưỡng thương, nghỉ ngơi vàgấp rút sửa chữa vũ khí. Lê Lợi đóan rằng quân giặc sẽ sớm đến, cố gắng an ủi sĩ tốt, sẵn sàng chờ đánh giặc. Quả nhiên chỉ sau 7 ngày, quân Minh và quân Ai Lao đã hùng hổ tiến đến. Giặc không dồn quân đánh thẳng ngay mà chia binh làm 4 đạo, đi vòng bủa vây quân ta từ 4 hướng, quyết không cho nghĩa quân một con đường thoát nào. Trong tình thế nguy cấp, Bình Định vương Lê Lợi cho tụ họp tướng sĩ, nói rằng: “Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là tử địa mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết”.(theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Dứt lời, ngài sa hai hàng lệ. Tướng sĩ đều cảm khái, quyết liều chết với giặc. Với tinh thần chiến đấu quên mình, quân Lam Sơn đã tạo nên một trận đánh huyền thoại. Các tướng Lam Sơn là Lý Triện, Lê Hướng, Lê Lĩnh, Lê Hào, Phạm Vấn… dẫn quân xông ra phá vòng vây, tướng sĩ người người tranh nhau tiến lên trước, thế mạnh như bão táp. Tham tướng nước Minh là Phùng Quý bị chém chết tại trận, cùng với hơn 1.000 quân Minh bỏ mạng trong chốc lát, 100 con ngựa chiến rơi vào tay nghĩa quân Lam Sơn. Quân ta nhằm thẳng vào hướng hai đại tướng nước Minh là Tổng binh Trần Trí, Nội quan Mã Kỳ mà đánh gấp, ai chống là chết. Tướng giặc không chống nổi cách đánhquyết tử của binh tướng Lam Sơn, cắm đầu bỏ chạy về hướng thành Đông Quan. Các hướng quân Minh do đó mà nối nhau tan vỡ, dù rằng vẫn còn rất đông. Tướng Ai Lao là Mãn Sát thấy quân Minh tan chạy, rất khiếp sợ quân ta nên cũng lệnh cho quân Ai Lao rút nhanh.

Quân Lam Sơn làm nên một chiến tích phi thường với tổn thất cũng khá nặng nề. Khôi Huyện bấy giờ cũng là nơi không tiện đóng giữ vì nằm giữa tuyến đường từ thành Đông Quan đến thành Tây Đô, đóng quân tại đây rất dễ bị vây. Bình Định vương Lê Lợi sau trận đánh đẫm máu đã dẫn quân rút về núi Chí Linh, dựa vào núi rừng hiểm trở mà cố thủ. Đây là lần thứ ba quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh. Nơi này là nơi thiện hiểm, dễ thủ khó công, giúp đảm bảo an toàn cho nghĩa quân nếu quân Minh ỷ đông tiến đánh. Nhưng núi Chí Linh cũng là nơi dân cư thưa thớt, rừng thiêng nước độc. Sau liên tiếp những trận chiến ác liệt với giặc mạnh, giờ đây nghĩa quân Lam Sơn lại phải đương đầu với những ngày tháng gian khổ thiếu thốn. Sự gian khổ và tinh thần vượt khó để đi đến thắng lợi của binh tướng Lam Sơn đã được Nguyễn Trãi mô tả lại trong Bình Ngô Đại Cáo:

Cái thiên dục khốn ngã dĩ giáng quyết nhiệm

Cố dữ ích lệ chí dĩ tế vu nan

Tạm dịch :

Trời thử lòng người trao cho mệnh lớn
Ta đấy gắng chí khắc phục gian nan

(còn nữa)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba

18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt

33 kỳ cuộc chiến chống ngoại xâm từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân Minh - Ai Lao tạo gọng kìm, Lê Lợi mở con đường máu