Rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên tính cách người Nam bộ như đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi nhưng có một điều vô cùng quan trọng ấy là vùng đất này không phải gánh bất kỳ một di sản tư tưởng triết học hay tôn giáo nào được coi là chủ đạo, đặc biệt là những di sản tư tưởng từ phương Bắc.
Mọi người thường nói tính cách người Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng là cởi mở, phóng khoáng, tự do, khí khái, hào hiệp, ngay thẳng, bộc trực, bao dung, vị tha và sáng tạo. Những tính cách ấy được hình thành và nuôi dưỡng suốt theo chiều dài hơn 300 năm mở đất và dựng người.
Nho giáo bị tẩy chay ngay ở quê hương nó
Việt Nam nói chung là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Hán hóa và Nho giáo (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam). Nho giáo có nhiều điểm tiến bộ song cũng phải ghi nhận những nguyên tắc rất cứng nhắc và xơ cứng của nó trong hệ thống cương thường của quốc gia như “tam cương, ngũ thường”. Bên cạnh việc tạo ra trật tự xã hội thì Nho giáo cũng tạo ra một biên giới hạn chế cho sự sáng tạo cá nhân, năng động và cởi mở xã hội, cũng như tạo ra một bầu không khí ngột ngạt mà có nhiều người gọi là “tù đọng”. Có lẽ vì sự hạn chế của nó tới “hiện đại hóa” mà Trung Quốc, quê hương của Nho giáo, đã không ít lần chính giới cầm quyền tiến hành các chiến dịch tẩy chay Nho giáo-Khổng giáo. Bắt đầu từ năm 1966, cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản đã tấn công quyết liệt vào Nho giáo và Khổng Tử, tiếp sau đó năm 1973-1974 Trung Quốc dấy lên phong trào rầm rộ “phê Nho, đả Khổng”. Tình hình này cũng đã từng diễn ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một trong các nguyên nhân sâu xa khiến Hà Nội và vùng phía Bắc Việt Nam trong một số giai đoạn lịch sử chậm phát triển mà các nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân là do sự chi phối khá nặng nề của Nho giáo, thậm chí học thuyết Nho giáo cũng bị kết tội là làm cản trở sự tiến bộ của các nước trong khu vực châu Á. GS Vũ Khiêu có viết: “Nho giáo thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp và coi thường công nghiệp và thương mại, điều đó góp phần lớn làm cho Việt Nam trở thành nước kém phát triển” (Confucianism in Vietnam. Vietnam National University- Hochiminh City Publishing House).
Sài Gòn là một xã hội mở, do vậy có khá nhiều loại học thuyết du nhập vào đây nhưng may mắn là những loại học thuyết cứng nhắc, những tư tưởng thống trị níu kéo sự phát triển không phải là nhiều, hoặc giả nếu có thì chỉ sau một thời gian nó bị biến thái đi theo hoàn cảnh. Có lẽ không có một học thuyết chính trị nào được du nhập vào mảnh đất Nam bộ một cách hoàn hảo mà nó chỉ đến với từng mảnh nhỏ và rồi bị “Nam bộ hóa” sau khi trải qua một tiến trình chọn lọc theo hướng “động” hơn là “tĩnh”.
Sự ảnh hưởng thấp của Nho giáo là một thuận lợi cho phát triển. Luận điểm này đã được các nhà khoa học kết luận. Người đọc có thể tìm thấy những tư tưởng này trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, trong các tác phẩm và các bài viết của GS Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, GS Đỗ Thái Đồng, nhà văn Sơn Nam... Họ thống nhất rằng ở Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng mức độ ảnh hưởng của Nho giáo rất yếu và càng về sau theo dòng thời gian càng nhạt dần ở các thế hệ trẻ sau này.
GS Trần Văn Giàu có viết rằng: “So sánh với Trung Bắc, với Huế, Hà Nội thì Gia Định-Sài Gòn là đất mới của Tổ quốc. Người vào Nam khai hoang lập ấp hầu hết là người nghèo khổ dốt nát, đủ tinh thần thực tiễn mà thiếu chữ, đủ đạo đức làm dân, làm người mà không thuộc kinh truyện” (Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP.HCM). Còn ông Trần Bạch Đằng lại nhấn mạnh thêm rằng: “Học thuyết và lề thói Khổng Mạnh chưa có cơ hội và thời gian thuận lợi để áp đặt chiều sâu ý thức cũng như cơ chế vào mảnh đất này”, bởi lẽ “Nghi lễ cung đình, lề thói quan dạng khó mà đeo đẳng những người đi chân đất” (Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP.HCM).
Không phải mảnh đất tốt cho các lý thuyết
Từ thế kỷ 16, trong số những người Nam tiến vào thời “khai sơn phá thạch” đó không có mấy bóng dáng nhà Nho, mà nếu có thì chỉ là những nhà Nho nghèo thất cơ lỡ vận ở Bắc và Trung bộ. Điều quan trọng hơn cả là điều kiện sống lúc bấy giờ cũng buộc chính họ phải thay đổi cách thức tư duy và hành động sao cho phù hợp, lối tư duy hàn lâm đôi khi thái quá của các Nho gia không phù hợp với mảnh đất này. Do phải đối mặt với vùng đất còn hoang dã nguyên sơ với ngút ngàn rừng rậm, cá sấu, muỗi mòng, rắn rít, do phải đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại mà người dân ở vùng đất mới này không cần và cũng không quen với kiểu tư duy Nho học. “Nam bộ là vùng đất mà cư dân ít chịu ảnh hưởng của lề thói quan liêu cùng nếp Nho phong. Họ trọng chữ trung, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm một cách khoáng đạt trên vùng đồng bằng mênh mông ba bề giáp biển, giao lưu tương đối thuận tiện, vốn tứ xứ hội tụ về” (Kẻ sĩ Gia Định, Tuổi Trẻ Chủ nhật, số 16-97).
Vùng đất này không phải là mảnh đất tốt cho các lý thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử hay Tuân Tử với các bộ kinh rối rắm như Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ hay Kinh Xuân Thu. Những người dân ở Nam kỳ lục tỉnh có lập trường tư tưởng cho con em mình và những ông thầy thường là những ông đồ Nho thất vận ở miền Bắc và miền Trung vào, nhưng các bậc túc Nho này được mời không phải là để dạy tứ thư ngũ kinh cho con em họ đi thi để đỗ đạt làm quan mà chủ yếu học để biết chữ, học để làm người. “Các bậc cha anh ở đất Gia Định- Sài Gòn đã mời thầy thì thống nhất là yêu cầu thầy dạy bắt đầu theo một quyển sách không có trong chương trình thi cử, đó là sách “Minh tâm bửu giám”, sách gối đầu giường của lục tỉnh và miền Nam. “Minh tâm bửu giám” không phải là sách Nho chính thống mà là sách tập hợp những trích đoạn của những sách Nho, Lão, Phật, gồm những câu nói đạo đức, triết lý nhân sinh, nhằm rèn luyện tâm hồn, bồi dưỡng đức hạnh, hướng dẫn việc ứng xử hàng ngày” (Trần Văn Giàu, sách đã dẫn).
Sài Gòn ảnh hưởng Nho giáo nhẹ hơn miền Bắc và miền Trung
Thật không công bằng và thiếu khách quan nếu như nói rằng Nam bộ nói chung và Sài Gòn-TP.HCM hoàn toàn không có một chút ảnh hưởng nào của Nho giáo. Có ảnh hưởng nhưng không nhiều và sự ảnh hưởng đó đã bị biến thái đi rất nhiều theo dòng thời gian và trong những điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Sự biến thái đó không phải chỉ so sánh với nơi sinh ra nó mà so sánh với cả miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Những người Việt đầu tiên đến vùng đất này nói cho cùng là những người từ phía Bắc di cư đến nhưng rõ ràng là họ “cũng không dịch chuyển nguyên vẹn cái hành trang xuất phát của mình từ châu thổ phía Bắc tới châu thổ phương Nam” (Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM. Sài Gòn-TP.HCM: Con người và văn hóa trên đường phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM). Họ đa phần là những người lính, những người lao động tự do không chịu được sự hà khắc của xã hội phong kiến ngột ngạt, kể cả những người bị truy nã. Do vậy mà trong hành trang của họ chỉ là sự khao khát đi tìm vùng đất mới chứ chả có được chút sách “thánh hiền nào”.
Sự ảnh hưởng mờ nhạt của Nho giáo và mạnh hơn của Phật giáo trong đời sống xã hội được ghi dấu ấn không chỉ trong văn học, nghệ thuật mà trong cả đời sống thường ngày, thực sự có khá nhiều người miền Nam trong nhà có đủ cả hoành phi, câu đối viết bằng chữ Nho (chữ Tàu) nhưng họ không biết nội dung viết cái gì mà họ cũng chả cần biết miễn là cho đẹp và đủ món như người ta. Hiện giờ cũng vậy, vào dịp Tết đến, nhiều người đến đường Hải Thượng Lãn Ông ở Chợ Lớn mua chữ Tàu treo cho vui mắt mấy ngày đầu xuân sau khi hỏi sơ sịa người bán chứ mấy ai rành rẽ nội dung, các chữ thường treo là “Phúc, Lộc, Thọ”, “Xuất nhập bình an”, “Phúc như Đông hải, Thọ tỷ Nam sơn”...
PSG - TS Nguyễn Minh Hòa (Pháp luật TP.HCM)