Bão số 4 chưa vào đất liền nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa lớn từ đêm 18 và sáng 19.9, gây ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ ở một số xã miền núi; nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Theo trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 10 giờ ngày 19.9, vị trí tâm bão số 4 (tên quốc tế là Soulik) ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông; trên vùng biển Quảng Bình - Thừa Thiên-Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 10-11 (89-117km/h); di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 25km/h.
Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đêm qua đến sáng nay (19.9) ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to: Hòa Bắc (Đà Nẵng) 166mm; Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) 309mm, Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 270mm, ...
Mưa lớn gây chia cắt cục bộ nhiều thôn xóm ở miền núi
Từ đêm 18 đến sáng 19.9, một số khu vực ở miền núi tỉnh Quảng Bình có mưa lớn khiến nước sông, suối dâng cao. Một số xã như Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) xảy ra tình trạng nước suối dâng cao gây ngập và chia cắt giao thông.
Cụ thể, tại ngầm tràn (đoạn đường được thiết kế thấp để nước lũ tự tràn qua khi nước suối dâng lên) bản K Ai, xã Dân Hóa; ngầm CuPi, Tà Cổ, xã Trọng Hoá (huyện Minh Hóa) nước dâng cao khoảng 0,5-1m, người và phương tiện không qua lại được.
Trước tình hình trên, các đồn Biên phòng đã phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) cho biết, các ngầm tràn trên địa bàn bị ngập chia cắt 2 thôn, học sinh phải nghỉ học. Địa phương đang cử lực lượng về các thôn bản nhắc nhở người dân không đi vào rừng, lên nương rẫy. Xã cũng đang liên lạc, kêu gọi những người dân đang còn ở trong rừng, trên rẫy tìm nơi trú ẩn hoặc trở về nhà.
Theo ông Phin, hiện đang có mưa, 7 thôn đang bị chia cắt giao thông. Một số người dân đi rừng nhưng có nhà chòi ở trên đó, họ có mang theo cơm, gạo, thức ăn. Chính quyền thông báo cho các gia đình tìm cách liên lạc, kêu gọi người dân đi rừng đi rẫy trở về nhà.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình hiện có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển. Tỉnh Quảng Bình đã phân công lực lượng kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.
Sáng 19.9, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình đã có thông báo đến các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ chiều 19.9. Ngành giáo dục cũng chỉ đạo các trường học sẵn sàng phương án di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về tài sản.
Di dời hơn 100 hộ dân
Trong đêm 18.9, bộ đội Đồn biên phòng Cà Xèng, Đồn biên phòng Ra Mai (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình) đóng trên địa bàn huyện Minh Hóa đã phối hợp với địa phương tổ chức di dời 105 hộ với 506 người dân ở các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt.
Những người dân này được di dời đến nơi an toàn ở nhà người thân, nhà văn hóa cộng đồng.
Hiện nay, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình duy trì 42 tổ theo dõi sát tình hình địa bàn, phối hợp với địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa phòng, chống bão, không đánh bắt cá ở các sông suối.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, qua rà soát số người dân đi rừng thì ở các địa bàn miền núi có khoảng 40 người đang còn trong rừng chưa có thông tin. Bộ đội biên phòng đã đề nghị các địa phương phối hợp để kêu gọi số người đang đi rừng trở về.
Lập đội xung kích ứng phó mưa bão
Trước dự báo bão số 4 gây mưa lũ trên diện rộng và sạt lở đất đá, tỉnh Quảng Bình đã thành lập các đội xung kích phòng chống thiên tai. Lực lượng xung kích gồm nòng cốt là quân đội, biên phòng, công an với hơn 12.000 người tại 151 xã, phường, thị trấn.
Các đội xung kích có nhiệm vụ sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp còn huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, tình nguyện viên, lực lượng dự bị để tham gia hỗ trợ dưới sự chỉ huy của lãnh đạo Ban chỉ huy địa phương. Khi thiên tai vượt quá năng lực ứng phó, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ chủ động đề xuất các đơn vị thuộc Quân khu 4 hỗ trợ.