Tỉnh Quảng Nam đang bị vượt mặt khi một nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại đã ngang nhiên được xây dựng tại xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn) dù chưa có bất cứ một giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường nào. Vậy, ai đã chống lưng để dự án trái phép ngang nhiên mọc lên?

Quảng Nam: Ai chống lưng để nhà máy sản xuất hạt nhựa xây dựng trái phép?

Lê Đình Dũng | 12/10/2016, 10:11

Tỉnh Quảng Nam đang bị vượt mặt khi một nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại đã ngang nhiên được xây dựng tại xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn) dù chưa có bất cứ một giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường nào. Vậy, ai đã chống lưng để dự án trái phép ngang nhiên mọc lên?

Nhà máy gần hoàn thiện

Theo tin báo từ người dân,phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã về tận mục dự án trái phép này tại xã Điện Trung. Đây là nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại của Công ty TNHH MTV DaNang Plastic.

Tại thời điểm chúng tôi có mặt, nhà máy này đã xây dựng xong phần thô công xưởng rộng rãi trên nền đất lúa khoảng 1,8ha. Các công nhân vẫn đang tiếp tục thi công phần hàn sắt, xây dựng các hạng mục ngoài trời.

Dù vi phạm pháp luật, dự án này vẫn ngang nhiên được triển khai xây dựng - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Đáng nói, dự án này nằm ngay sát đường tỉnh lộ 610B, nằm trong khu dân cư và cách trụ sở UBND xã Điện Trung khoảng vài trăm mét.

Rất nhiều người cho biết, dự án này mọc lên gây lo ngại về ô nhiễm môi trường. Nghiêm trọng hơn, nhà máy được xây dựng hoàn toàn trái phép vì chưa có bất cứ thủ tục nào được phê duyệt; thế nhưng dường như chính quyền lại làm ngơ để sai phạm mọc lên trước mũi mình.

Vi phạm pháp luật

Một bằng chứng rõ ràng nhất minh chứng cho sự sai phạm này được thể hiện trong bản báo cáo ngày 3.10 của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam do Phó giám đốc Trần Bá Tú ký gửi UBND tỉnh.

Theo ông Tú, Sở Xây dựng nhận được 2 tờ trình ngày 7.9.2016 của Công ty TNHH MTV DaNang Plastic và tờ trình của UBND TX.Điện Bàn kèm theo hồ sơ liên quan về việc thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại tại xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn.

Vị trí tại thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung, ranh giới bắc giáp đất trồng lúa, nam giáp đường tỉnh lộ 610B, đông giáp nhà văn hóa thôn Đông Lãnh và cách khu hành chính xã Điện Trung khoảng 400m, tây giáp khu dân cư hiện trạng với diện tích khoảng 1,8ha. Hiện trạng sử dụng đất là đất lúa.

Ngày 26.9.2016, Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN-MT, Trung tâm hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam, UBND TX.Điện Bàn, UBND xã Điện Trung và công ty này đi kiểm tra địa điểm đề nghị.

Phần nhà xưởng đã cơ bản hoàn thiện - Ảnh: Lê Đình Dũng..

Qua tổng hợp, Sở Xây dựng Quảng Nam phát hiện, UBND tỉnh mới chỉ thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư dự án ngày 6.9.2016 nhưng công ty đã san lấp phần mặt bằng một phần khu đất; đã xây dựng gần xong phần nhà xưởng và một phần hàng rào, hiện tại công ty vẫn triển khai xây dựng.

Về quy hoạch ngành, vị trí này không thuộc khu, cụm công nghiệp và không có trong quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duyệt.

Nghiêm trọng hơn, vị trí công trình không nằm trong danh mục công trình thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa năm 2016 theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam năm 2015 cũng như kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của TX.Điện Bàn đã duyệt.

Về quy hoạch xây dựng, vị trí không thuộc quy hoạch đất công nghiệp theo hồ sơ quy hoạch khu trung tâm xã Điện Trung được UBND TX.Điện Bàn phê duyệt ngày 6.4.2016.

Về môi trường, theo công suất nhà máy tại báo cáo đầu tư sơ bộ, dự án thuộc loại hình phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại nghị định 18/2015/NĐ-CPngày 14.2.2015 của Chính phủ.

Vì vậy, Sở Xây dựng Quảng Nam cho rằng việc Công ty TNHH MTV DaNang Plastic triển khai thi công xây dựng nhà máy khi chưa thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng là vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai, xây dựng.

Qua kiểm tra của đoàn liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì, nhà máy này mọc lên vi phạm rất nhiều - Ảnh: Lê Đình Dũng.

“Vị trí xây dựng nhà máy nằm kế cận dân cư; loại hình, công suất nhà máy thuộc trường hợp phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; việc sử dụng đất lúa không có trong nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của địa phương. Do đó, Sở Xây dựng không thực hiện thủ tục thỏa thuận địa điểm”, báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Nam nhấn mạnh.

Do đó, Sở này kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND TX.Điện Bàn có biện pháp yêu cầu Công ty DaNang Plastic dừng san lấp mặt bằng và dừng thi công theo quy định về quản lý công tác xây dựng trên địa bàn. Giao trách nhiệm Sở TN-MT phối hợp với UBND TX.Điện Bàn tổ chức soát xét việc sử dụng đất, các quy định về môi trường của dự án; báo cáo UBND tỉnh hướng xử lý về sử dụng đất theo quy định.

Như vậy, một dự án lớn mọc lên trước mắt chính quyền với vi phạm pháp luật rành rành nhưng vẫn đang từng ngày hoàn thiện. Vậy, ai đã chống lưng chonhà máy sản xuất hạt nhựa nàyxây dựng trái phép?

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Nam: Ai chống lưng để nhà máy sản xuất hạt nhựa xây dựng trái phép?