UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chấp thuận cho Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc được nhận chìm 62.000 m3 chất thải bỏ từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ xuống vùng biển xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Giấy phép được Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký ngày 27.10 theo đề nghị của Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc và Giám đốc Sở TN-MT.
Theo đó, vật chất được phép nhận chìm bao gồm: cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò và bùn trầm tích thu được từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017.
Thành phầnđược phép nhận chìm là vật chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Khối lượng vật chất được phép nhận chìm là 62.000m3, bao gồm 8,8% là bùn và 91,2% là cát, sạn sỏi, đáphong hóa, vỏ sò.
Địa điểm khu vực nhận chìm ở xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Khu vực biến sử dụng để nhận chìm có diện tích là 4,97 ha, có độ sâu lớn nhất -24,19m (hải đồ), được giới hạn bởi các điểm góc A, B, C, D có tọa độ thể hiện trên bản đồ khu vực biển sử dụng để nhận chìm được trích lục từ tờ hải đồ tỷ lệ 1:100.000, số hiệu IA-100-14 kèm theo giấy phép này.
Về phương tiện chuyên chở vật chất nhận chìm sẽ có 2 tàu hút bụng tự hành có công suất dưới hoặc bằng 2.500CV, 6 sà lan chuyên dụng vận chuyển vật liệu nạo vét với công suất lớn hoặc bằng 300m3/sà lan. Các vật chất sẽ được nhận chìm theo hình thức mở đáy xả.
Hoạt động nhận chìm chỉ được phép thực hiện từ tháng 10.2017 đến hết tháng 3.2018. Thời hạn nhận chìm kể từ ngày ký giấy phép nhận chìm đến hết ngày 31.3.2018.
Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc có trách nhiệm trước khi tiến hành nhận chìm phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển theo quy định của pháp luật và báo cáo Sở TN-MT, UBND TP.Quảng Ngãi, UBND xã Tịnh Khê và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan để theo dõi, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền đối với hoạt động nhận chìm.
Thực hiện đúng, đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động nạo vét theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái xung quanh khu vực nạo vét.
Thực hiện nhận chìm đúng vị trí, khối lượng, thành phần vật, chất nhận chìm, phương tiện, cách thức, thời điểm, thời hạn nhận chìm theo quy định. Đăng ký các phương tiện chuyên chở vật, chất nhận chìm đã gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.
Lê Đình Dũng