Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo kiểm tra việc Công ty Tùng Lâm bất chấp tính mạng du khách, sử dụng xe điện mua từ Trung Quốc không đăng ký, đăng kiểm vẫn đưa vào sử dụng, chở khách tại khu du lịch tâm linh Yên Tử.
Trao đổi với PV Báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Văn Hợp – Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay ngay khi nhận được thông tin phản ánh của Báo điện tử Một Thế Giới, chính quyền tỉnh đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và báo cáo về UBND tỉnh.
Còn ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí cho biết UBND TP.Uông Bí đã giao Công an TP.Uông Bí làm việc trực tiếp với Công ty Tùng Lâm về việc báo đã phản ánh.
Đại tá Vũ Đức Tính, Trưởng công an TP.Uông Bí nói rằng ngày 19.2 sau khi nhận được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh Quảng Ninh và UBND TP. Uông Bí, Công an Uông Bí đã vào cuộc xác minh và xử lý việc Công ty Tùng Lâm sử dụng xe điện nhập từ Trung Quốc không đăng kiểm, đăng ký chở khách du lịch mà Báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh.
Đại tá Tính cho hay về cơ bản Công ty Tùng Lâm chấp hành nghiêm túc khi cơ quan công an làm việc. Chiều 19.2, Công ty Tùng Lâm thực hiện các thủ tục kê khai, đóng thuế với Chi cục thuế để đăng ký với Phòng CSGT.
Đại tá Tính cũng nói cơ quan chức năng đang cân nhắc việc xử phạt và yêu cầu Công ty Tùng Lâm tạm dừng vận chuyển hành khách đợi hoàn thiện các thủ tục mới cho tiếp tục kinh doanh vận chuyển hành khách hay không. Lý do được ông Tính đưa ra là "nếu yêu cầu dừng hoạt động thì họ cũng phải chấp hành nhưng chỉ trong vài ngày nữa là Tùng Lâm sẽ hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, trong khi nếu dừng hoạt động thì du khách sẽ phải đi bộ vất vả và như thế thì không hợp tình. Nếu dừng thì có quá đáng lắm không?" - ông Tính nói.
Trước đó,
Báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh về việc Công ty Tùng Lâm nhập mới 30 chiếc xe điện từ Trung Quốc, nâng tổng số xe điện của công ty lên 38 chiếc nhằm khai thác chuyên chở du khách từ bãi xe vào khu vực chùa Giải Oan và nhà ga cáp treo tại Yên Tử.
38 chiếc xe điện Trung Quốc không đăng kiểm, đăng ký được đưa vào khai thác chuyên chở khách du lịch từ bãi gửi xe đến nhà ga cáp treo dài chừng 2km đường đồi dốc quanh co với giá vé 10.000đ/người/lượt (những năm trước đây, Tùng Lâm có 8 xe, chở miễn phí). Mức giá này chỉ mới được áp dụng sau khi có sự phản ứng dữ dội từ du khách khi Tùng Lâm thu 20.000đ/người/lượt.
Toàn bộ 38 chiếc xe điện này (loại xe chở 9 người và 11 người) đều không có tem đăng kiểm và biển số được các đơn vị cơ quan chức năng cấp.
Một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay loại ô tô điện mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu về có cấu tạo không bảo đảm các tiêu chuẩn để tham gia giao thông, đặc biệt là các tuyến đường đồi núi. Do không có hệ thống cửa đóng kín nên nếu bị va chạm mạnh, những người ngồi trên ô tô điện có thể bị văng ra đường, rất nguy hiểm. Do vậy cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để chấn chỉnh lại hoạt động của phương tiện này.
Thông tư 86 ngày 31.12.2014, kể từ ngày 15.9.2015 “xe điện bốn bánh (thuật ngữ kỹ thuật gọi là xe chở người bốn bánh có gắn động cơ) hoạt động trong phạm vi hạn chế phải có chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật mới được lưu hành”. Theo quy định chung, xe điện 4 bánh chở khách loại mới và chưa qua sử dụng đến 2 năm có được kiểm tra lần đầu có hiệu lực hoạt động là 18 tháng; 12 tháng/lần đối với các trường hợp còn lại, kể cả xe không xác định được năm sản xuất. Các lần kiểm tra định kỳ tiếp theo là 12 tháng/lần. Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật không vượt quá thời hạn của giấy đăng ký xe (nếu có). Các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ kiểm định bị xử phạt vi phạm hành chính như đối với ô tô chở khách. |
Nam Phong