Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách.

Quốc hội đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp

Lam Thanh | 20/10/2020, 18:36

Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách.

Thu ngân sách thấp nhất 10 năm gần đây

Chiều 20.10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2020 đạt 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ 2019, ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Ước cả năm, thu ngân sách nhà nước giảm 189,2 nghìn tỉ đồng so với dự toán, trong đó ngân sách trung ương giảm 126,8 nghìn tỉ đồng. Về chi ngân sách nhà nước, đến hết tháng 9, ước đạt 63,7% dự toán.

Tổng hợp chung, bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 319,5 - 358 nghìn tỉ đồng, bằng 49,9 - 59% GDP. Nợ công đến cuối năm 2020 khoảng 56,8 - 57,4% GDP.

Theo đó, Chính phủ trình dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 như sau:

Dự toán thu ngân sách nhà nước là 1,34 triệu tỉ đồng; tỷ lệ bội chi ngân sách khoảng 4% GDP đã điều chỉnh, số bội chi tăng thêm 108,87 nghìn tỉ đồng so với dự toán 2020; nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh.

Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 1,68 triệu tỉ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỉ đồng so với dự toán 2020. Trong đó, dự toán chi cho đầu tư phát triển là 477,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 28,3% tổng chi ngân sách nhà nước; dự toán chi thường xuyên là hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 61,4% tổng chi ngân sách nhà nước…

Riêng về dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện khung cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 giảm khoảng 169 nghìn tỉ đồng so với dự toán năm 2020, sau khi ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển, tăng thêm tiền hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, chi trả nợ lãi thì chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng/người/tháng và chưa điều chỉnh quy định về hộ nghèo trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn”.

Cảnh báo nghĩa vụ trả nợ

chinh-phu-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Tài chính - Ngân sách sau đó có báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025.

Cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần đánh giá sát hơn khả năng thu ngân sách, nhất là thu tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, thu từ dầu thô để có giải pháp điều hành phù hợp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu thu ngân sách đạt mức cao nhất trong những tháng còn lại của năm 2020.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm 2020 còn cao (63,4%), các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đại dịch còn chưa mang lại hiệu quả; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng còn chậm, đặc biệt là vốn ODA…

Trong năm 2020, bội chi ngân sách ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi ngân sách sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỉ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi ngân sách vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỉ đồng), bằng 5,59% GDP.

Đặc biệt, các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo về tình hình nợ công gửi đến Quốc hội, Chính phủ dự báo không chỉ 2021 mà nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh và có khả năng vượt ngưỡng 25% trong một số năm của giai đoạn tới.

Vấn đề này theo nhìn nhận của Chính phủ, một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, mặt khác tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Bài liên quan
Quốc hội thống nhất đưa nợ công về đầu mối Bộ Tài chính
Với 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trong đó phê duyệt đưa nợ công về một đầu mối duy nhất quản lý là Bộ Tài chính từ tháng 7.2018.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp