Nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Sáng 12.6, nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cao cấp vào năm 2018

Trí Lâm | 12/06/2017, 15:53

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Sáng 12.6, nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), căn cứ vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó; đồng thời, theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Do đó, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2018, về giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5, không tổ chức giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 để tập trung cho các nội dung nêu trên.

Đồng thời, bổ sung nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 6 vào dự thảo Nghị quyết.

Về giám sát chuyên đề, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn chuyên đề giám sát. Đến sáng1.6.2017, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được 396 phiếu trên tổng số 491 đại biểu Quốc hội khóa 14.

Trong đó, có 302/396 ý kiến (76,2 %) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.

Có 288/396 ý kiến (72,7 %) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội”.

Có 171/396 ý kiến (43,1 %) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Có 72/396 ý kiến (18,1 %) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5 với nội dung: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011-2016”. Các nội dung còn lại, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để đưa vào chương trình giám sát và tổ chức giám sát, báo cáo kết quả với Quốc hội.

UBTVQH cũng bổ sung vào dự thảo Nghị quyết; điều chỉnh nội dung chuyên đề “Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” thành “Việc thi hành pháp luật về bảo đảmtrật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giao thông đường thủy nội địa và hàng không dân dụng”.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, giám sát của Quốc hội rộng nhưng không sâu, chưa có chuyển biến tích cực xét trên các nội dung mà Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề trong khoảng 10 năm gần đây.

UBTVQH cho rằng, thông qua việc tổng kết, rút kinh nghiệm, Quốc hội đã ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (năm 2015) theo hướng minh bạch hơn, rõ trách nhiệm hơn, quy định đầy đủ các hình thức giám sát và đảm bảo tính hiệu quả của các hình thức.

Đặc biệt, Luật đã quy định rõ hơn về giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát (hậu giám sát), về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, tăng tính chế tài, đảm bảo thực hiện đến cùng vấn đề được giám sát.

Trong thực tế, qua hoạt động giám sát, nhất là hoạt động chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm, hoạt động điều hành của cơ quan thực thi pháp luật đã có chuyển biến rất tích cực, rõ nét.

Tuy nhiên, thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội luôn có sự biến động, bên cạnh những mặt được còn không ít vấn đề nảy sinh, hoạt động giám sát đòi hỏi phải được đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa. Do vậy, trong thời gian tới, yêu cầu trách nhiệm của cá nhân đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cao hơn thì mới đáp ứng được đòi hỏi đó.

Nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua với 88,8% số đại biểu tán thành.

Chưa thông qua Luật Quy hoạch

Chiều 12.6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh chương trình làm việc của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 14 từ ngày 16.6.2017.

Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đề nghị phê chuẩn, bổ nhiệm hai thẩm phán TAND Tối cao để đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ. Đồng thời, chưa biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch.

Căn cứ vào kết quả thảo luận của Quốc hội tại phiên họp sáng 26.5.2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều vấn đề liên quan đến quy định của số lượng lớn luật hiện hành, cần có sự tham gia sâu của các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật.

Vì vậy, dự án luật cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận, nâng cao chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cao cấp vào năm 2018