Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5.2023.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15, chiều 21.7, Quốc hội nghe báo cáo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết công tác lập và triển khai chương trình vẫn còn những bất cập, hạn chế, như việc điều chỉnh chương trình vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp quốc hội, có dự án phải lùi tiến độ trình Quốc hội hoặc đưa ra khỏi chương trình để tiếp tục chuẩn bị... đã gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội…
Vì vậy, ông Tùng đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; có giải pháp cụ thể để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật…
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2021) đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê để cho ý kiến và thông qua.
Đồng thời, lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022) để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của dự án luật.
Sau khi điều chỉnh, bổ sung, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 (tháng 7.2021), thông qua 1 dự thảo nghị quyết; tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2021) thông qua 1 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp; cho ý kiến 5 dự án luật khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lập chương trình năm 2022 và các năm tiếp theo cần bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, ưu tiên đưa vào chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội 13 của Đảng, các nghị quyết của hội nghị trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện các cam kết quốc tế…
Theo ông Tùng, việc đưa các dự án vào chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực; không giao quá 3 dự án cho một cơ quan chủ trì hoặc cơ quan thẩm tra trong 1 kỳ họp quốc hội; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, cần chú trọng tính gối đầu của chương trình để sắp xếp số lượng luật cho phù hợp.
Ngoài ra, không bổ sung dự án vào chương trình ở thời điểm sát kỳ họp quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình họp những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định. Không lạm dụng hình thức văn bản nghị quyết để sửa luật.
“Việc đề xuất xây dựng một luật sửa nhiều luật phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, để thúc đẩy sự phát triển nhưng không tạo ra những khó khăn phức tạp mới trong hệ thống pháp luật và trong quá trình thực hiện”, ông Tùng nói.
Về các dự án cụ thể, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022): thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 5 dự án luật khác.
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022): thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 2 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).
Cụ thể, Quốc hội khóa 15 sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 đối với 5 dự án luật (Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn), và đưa vào chương trình thông qua đối với 4 luật.
Riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng; do đó, đề nghị bố trí vào chương trình cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022) để gối sang năm 2023 nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc đề nghị dự kiến chương trình năm 2022 của Chính phủ so với các năm trước còn ít dự án, nhất là các dự án gối tiếp sang chương trình năm 2023.
Ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để sớm cụ thể hóa, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là văn kiện, nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, cần đề cao công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn hệ thống chính trị.